Cải cách hành chính
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Một số giải pháp góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 1765

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 với mục tiêu chung: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện trên phạm vi địa bàn nông thôn của toàn quốc.

Tại Bình Thuận, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các Sở, ngành, đoàn thể, địa phương, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả tích cực:

  • Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 63/96 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 65,6%), vượt 13 xã so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2020 (50 xã); vượt xa so với vùng duyên hải Nam Trung Bộ (đạt 45,82% số xã đạt chuẩn). Dự kiến năm 2020 có thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 67 xã (đạt 72% số xã), bình quân toàn tỉnh đạt 14,9 tiêu chí/xã (theo Bộ Tiêu chí giai đoạn 2016-2020), tăng 4,54 tiêu chí/xã so với năm 2016, đạt 90,3% kế hoạch giai đoạn 2016-2020; Về cấp huyện: huyện Phú Quý được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, dự kiến năm 2020 có 02 đơn vị;
  • Nhiều tiêu chí đến cuối năm 2019 đạt và vượt so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020, như: có 79 xã đạt tiêu chí số 3 về Thủy lợi (đạt 102,6%); có 61 xã đạt tiêu chí số 5 về Trường học (đạt 105,17%); có 85 xã đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo (đạt 106,25%); Tỷ lệ tham gia BHYT các giai đoạn đều tăng (năm 2015, 2018 và 2019 lần lượt đạt là 60,8%; 82,7% và 84,64%) và có 72 xã đạt tiêu chí số 15 về Y tế (đạt 125%); có 88 xã đạt tiêu chí 16 về Văn hóa (đạt 152,78%)…
  • Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả, áp dụng ngày càng sâu khoa học công nghệ gắn với đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa và thực hiện theo chuỗi giá trị...; Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 39,7 triệu đồng/người/năm, tăng 6,9 triệu đồng/người/năm so với năm 2016; đời sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn các xã ngày càng được quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả; nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; Quốc phòng, an ninh chính trị cơ bản được giữ vững và ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…
  • Trong tuyên truyền, phổ biến về các nội dung xây dựng nông thôn mới, được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh thực hiện cho hàng trăm ngàn lượt đoàn viên, hội viên; Hàng năm tổ chức vận động trong xã hội và nhân dân trên 506 tỷ đồng để cùng với Nhà nước thực hiện các công trình dân sinh, xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" trên 27,6 tỷ đồng, ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" trên 194 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 9.716 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo…

Thanh niên làm đẹp tuyến đường betong nông thôn – huyện Tánh Linh

 

Bên cạnh những kết quả tích cực, sự nỗ lực và quyết tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, vẫn còn những khó khăn, thách thức, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước tại một số địa phương có lúc, có nơi chưa được thường xuyên; Một số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chất lượng tiêu chí chưa cao, chưa bền vững; Tình trạng ô nhiễm môi trường, xã rác thải xuống kênh, mương, nơi công cộng còn tiếp diễn; Thời tiết thay đổi bất thường, nắng hạn kéo dài dẫn đến thiếu nguồn nước phục vụ nước sinh hoạt cho dân diễn ra thường xuyên và trên diện rộng vào mùa khô; Việc phát triển, liên kết sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế, phần lớn hợp tác xã sản xuất ở quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp…

Phát huy những kết quả đã đạt được của 10 năm xây dựng nông thôn mới, trong thời gian đến, các cấp các ngành tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả bền vững các mục tiêu đến cuối năm 2020 và các mục tiêu còn lại đã đề ra trong giai đoạn 2016-2020 của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, một số giải pháp xem xét thực hiện:

Một là, xác định xây dựng nông thôn mới phải có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và cần sự tham gia tích cực của toàn xã hội, phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Trên tinh thần đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các thành phần kinh tế và nhân dân cùng tham gia thực hiện Chương trình. Thường xuyên phổ biến cách làm hay, các mô hình hiệu quả, gương điển hình tiên tiến về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng và tiếp tục thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng.

Hai là, tập trung thực hiện các kế hoạch đề ra ngay từ đầu năm đối với các chỉ tiêu chưa đạt để phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu của giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó phải đảm bảo giữ chuẩn đối với các tiêu chí đã đạt, đồng thời lộ trình cụ thể để nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn, nhất là các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, như: nâng cao thu nhập; giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; môi trường xanh – sạch – đẹp; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục,…

Ba là, đẩy mạnh việc huy động nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế trong xây dựng nông thôn mới và ưu tiên để triển khai thực hiện ở các xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện theo mục tiêu kế hoạch đề ra.

Bốn là, tổ chức thực hiện sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới để đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc tình hình triển khai thực hiện, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tập thể và cá nhân, từ đó đề ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.

Năm là, đẩy mạnh việc áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, trong đó lấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP gắn với lợi thế của từng địa phương, nhằm góp phần gia tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn, tạo thêm động lực mạnh mẽ cho xây dựng nông thôn mới bền vững. Tập trung đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.

Sáu là, với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục giữ chuẩn; chú trọng xây dựng mô hình xã nông thôn mới nâng cao, hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của các cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới nhưng phải để người dân tự nguyện, tự giác; không để xảy ra tình trạng chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, nợ đọng, thực hiện đối phó hình thức; lấy mức độ hài lòng của người dân làm thước đo kết quả đạt được

Bảy là, tiếp tục củng cố hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa. Nghiên cứu có cơ chế chính sách riêng, đặc thù đối với lãnh đạo, công chức, viên chức làm việc chuyên trách và kiêm nhiệm tại Văn phòng nông thôn mới các cấp từ nguồn kinh phí trực tiếp của Chương trình và các nguồn kinh phí khác./.


ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang