ASC: Chứng nhận quốc tế về trách nhiệm môi trường cho các doanh nghiệp ngành thủy sản
Bên cạnh các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm như tiêu chuẩn
ISO 22000, FSSC 22000 hay GlobalGAP thì ASC được xem là tiêu chuẩn chứng nhận
quen thuộc đối với các doanh nghiệp ngành thủy sản.
Ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp
nguồn protein thiết yếu cho hàng tỷ người trên thế giới. Tuy nhiên, các phương
pháp nuôi trồng không bền vững có thể gây ra những tác động tiêu cực đến môi
trường, bao gồm ô nhiễm nguồn nước, phá hủy hệ sinh thái tự nhiên và ảnh hưởng
đến đa dạng sinh học. Trước thực tế này, nhu cầu về một hệ thống chứng nhận
đáng tin cậy, có khả năng đảm bảo tính bền vững của các sản phẩm thủy sản trở
nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trước đó, một số tiêu chuẩn như ISO 22000, FSSC 22000 hay
GlobalGAP được xem là các chứng nhận cần phải có trong một doanh nghiệp chế biến
thủy sản, thì nay, nhằm bao quát và đáp ứng với yêu cầu của thực tại, ASC, một
chứng nhận quốc tế sẽ giúp ngành nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm bảo vệ môi
trường, hệ sinh thái tốt hơn. Bên cạnh đó, ASC cũng đưa ra các quy định nhằm
giúp người lao động có môi trường làm việc tốt nhất. Chứng nhận ASC được chia
ra làm hai bộ thành phần. Đó là tiêu chuẩn trang trại dành cho các trang trại
nuôi trồng và tiêu chuẩn chuỗi hành trình dành cho các nhà sản xuất, chế biến,
phân phối.
Tiêu chuẩn ASC được xem là chứng nhận quan trọng mà các doanh
nghiệp thủy sản cần đạt được khi xuất khẩu ra thị trường
Các tiêu chuẩn ASC được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa
học và thông qua quá trình tham vấn rộng rãi với các bên liên quan, bao gồm nhà
khoa học, tổ chức phi chính phủ, nhà sản xuất và nhà bán lẻ. Điều này đảm bảo
tính khách quan, minh bạch và khả năng áp dụng thực tế của các tiêu chuẩn.
ASC thiết lập các tiêu chuẩn riêng biệt cho từng loài thủy sản
nuôi trồng phổ biến, bao gồm cá hồi, tôm, cá tra, cá rô phi, nhuyễn thể hai mảnh
vỏ và nhiều loài khác. Mặc dù có sự khác biệt nhất định giữa các tiêu chuẩn
theo loài, tất cả đều tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi:
Môi trường: Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sống
tự nhiên, bao gồm quản lý chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, bảo tồn
đa dạng sinh học và ngăn chặn việc sử dụng các hóa chất độc hại.
Xã hội: Đảm bảo các điều kiện làm việc công bằng và an toàn
cho người lao động, tôn trọng quyền của cộng đồng địa phương và giải quyết các
vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.
Sức khỏe vật nuôi: Áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe tốt
nhất cho vật nuôi, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh và đảm bảo mật độ nuôi
phù hợp.
Truy xuất nguồn gốc: Thiết lập hệ thống theo dõi và truy xuất
nguồn gốc hiệu quả, cho phép người tiêu dùng biết được sản phẩm họ mua đến từ
trang trại nuôi trồng được chứng nhận ASC.
Nhận thấy lợi thế khi áp dụng tiêu chuẩn ASC trong việc khẳng
định chất lượng và vươn tầm thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt đã áp dụng
thành công, trong đó phải kể đến: Công ty XNK Thủy sản An Giang (Agifish), Công
ty CP Gò Đàng, Công ty CP Hùng Vương, Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty CP Quốc Việt
(Cà Mau), … đây được xem là những doanh nghiệp điển hình được công nhận có nhiều
vùng nuôi đạt chứng nhận ASC.
ASC (Aquaculture Stewardship Council) – Hội đồng Quản lý Nuôi
trồng Thủy sản được xem là một trong những tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn có
trách nhiệm và thân thiện với môi trường đối với ngành thủy sản toàn cầu. Được
thành lập vào năm 2010 bởi WWF (Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên) và IDH (Sáng
kiến Thương mại Bền vững Hà Lan), ASC là một tổ chức phi lợi nhuận độc lập, hoạt
động trên toàn cầu. Mục tiêu chính của ASC là thiết lập và quản lý các tiêu chuẩn
nghiêm ngặt cho nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm về mặt môi trường và xã hội.
Theo Yến Hoa Ngô Kiều - tcvn.gov.vn