Năm 2013 - 2014 đã có 2 đợt khai quật khảo cổ học tại nhóm
đền tháp Pô Dam xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong để tìm mặt bằng nguyên thủy từ thế
kỷ VIII và những thành phần kiến trúc đã bị sạt đổ, mất mát theo thời gian hơn
1300 năm qua, với mục đích cuối cùng là nhằm nghiên cứu quy hoạch tổng thể ban
đầu trước khi tiến hành việc trùng tu, tôn tạo tiếp theo.
Nội dung khai quật khảo cổ học do Trung tâm Khảo cổ học (Viện
Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) và Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch Bình Thuận thực
hiện trong toàn bộ khuôn viên của nhóm đền tháp.
Khai
quật khảo cổ tại tháp Pô Dam.
Kết quả khai quật
Cuộc khai quật đã làm xuất lộ các kiến trúc cổ bị thời gian
tàn phá, kể cả một số đền thờ từ thế kỷ XV; xuất lộ phế tích tháp Nam, kiến
trúc dạng nhà dài phía nam và xuất lộ cầu thang gạch cùng lối kiến trúc cổ dẫn
lên nhóm tháp Nam. Kết quả khai quật còn phát hiện được khối lượng rất lớn di vật
các loại đá, gốm, đất nung, kim loại.
Trong
số di vật phát hiện được, nổi lên với chiếc thước bằng đồng, Bia đá khắc chữ Phạn
cổ (Sanskrit) có khắc nội
dung xây dựng và thờ phụng vị thần tại tháp, có niên đại 710 sau Công nguyên, một
bệ Yoni bằng đá bể thành nhiều mãnh, 01 bàn nghiền (pesani – rasun batau) có
hình dáng rất khác lạ so với loại bàn nghiền thường tìm thấy trong các di tích
thuộc văn hóa Champa. Một sưu tập hiện vật nhạc khí bằng đồng, gồm các loại
chuông, chũm chọe, lục lạc đồng… chính là dấu tích xưa của những lễ hội đã từng
diễn ra ở đây trong quá khứ.
Chiếc
thước cổ của người Chăm xưa
Chiếc
thước đúc bằng đồng, hình dáng ở giữa hình vuông, mỗi
cạnh 6mm, 2 đầu hình tròn thon dần, kích thước chiều dài tổng thể 19,5cm. Cả 4
mặt đều được khắc vạch giống như dấu khắc trên cây thước mộc của người Việt
xưa. Vạch chính giữa (tâm) cách đều 2 đầu 9,7cm. Khoảng cách từ vạch
trung tâm đến 2 ô khắc vạch hai bên 3,2cm. Từ ô
khắc vạch bên trái và bên phải thước ra 2 đầu là 5,3cm và 5,4cm. Niên
đại cây thước trong khoảng thế kỷ VIII.
Cây
thước cổ Chămpa.
Xem số đo trên cây thước cổ của người Chăm
xưa tương đối nhỏ so với cây thước ta (hay thước mộc,
bằng 0,425 mét) và thước đo vải (bằng
0,645 m). Trong bài “Hệ thống thước đo thời Nguyễn” của nhà nghiên cứu Phan
Thanh Hải thì có ba loại thước chính: thước đo vải (từ
0,6 đến 0,65 mét), thước đo đất (luôn
là 0,47 mét) và thước mộc (từ 0,28 đến 0,5 mét).
Đưa cây thước cổ cho một số nhà nghiên cứu về
văn hóa Chăm và nhiều người Chăm thông thạo về xây dựng, cũng như nghe và xem
nhiều nguồn tài liệu ghi chép trong dân gian và lấy ý kiến của một số vị Sư cả
hiểu biết về đơn vị đo lường xưa của người Chăm nhưng không ai biết về cây thước
này. Họ chỉ biết cách đo lường trong dân gian vốn tồn tại từ lâu đời trong đời
sống xã hội, áp dụng trong việc xây dựng nhà cửa, đo đất, làm thủy lợi và trong
tang ma.
Dưới đây là một số cách đo dân gian của người
Chăm.
Trong sách “Lễ
nghi cuộc đời của người Chăm Ahiér”, ông Sử Văn Ngọc - Nhà nghiên cứu về văn
hóa Chăm ở Ninh Thuận cho biết: Yam (bước chân) bằng một mét, Tapa (sãi tay)
tương đương 1,5m, Cagam (gang tay) bằng 29cm, Kaong el (từ cùi chỏ đến khuỷu tay) bằng
30cm, Kapuak njam (từ cùi chỏ đến nắm tay) bằng 40cm… Trong Từ điển Chăm -
Việt của GS.TS Bùi Khánh Thế cho biết: Người Chăm dùng sãi tay để đo nhà
cửa, bước chân để đo đất làm nhà, gang tay để đo làm nhà cửa, đền đài và tâm
linh tùy từng trường hợp cụ thể để một gang tay tính từ đầu ngón cái đến các
ngón khác trong bàn tay.
Theo ông Qua Đình Lang, nhà
nghiên cứu văn hóa Chăm ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong cho biết thêm về một số
đơn vị đo lường cơ bản trong dân gian Chăm tương tự như nghiên cứu của GS.TS Bùi Khánh
Thế.
Nhìn ảnh chụp và độ dài của
cây thước cổ, ông Qua Đình Lang và một số các vị Sư cả nhận xét, theo cách đo
lường trước đây thì một gang tay tương đương độ dài cây thước cổ là 19,5cm. Rất
có thể đây là cây thước cổ và lạ nhất của tổ tiên chỉ dùng trong kiến trúc đền
tháp mà ông và nhiều người mới lần đầu nhìn thấy.
Nghiên cứu của các nhà khoa học về đơn vị đo
lường của người Chăm xưa chủ yếu là
sử dụng khoảng cách giữa các bộ phận trên cơ thể con người để ứng dụng trong những
trường hợp và môi trường cụ thể. Khi nghiên cứu về các công trình kiến trúc
Chăm từ Mỹ Sơn đến các tỉnh miền Trung cho đến Ninh, Bình Thuận kể cả các nhà
khoa học nước ngoài, người ta cũng chỉ nói về niên đại, phong cách nghệ thuật và
mô tả vẽ đẹp của kiến trúc. Nhưng về thước đo trong kiến trúc thì chưa hề có
phát hiện loại thước này và tuyệt nhiên chưa nghe nói đến dụng cụ đo lường là
cây thước và cách đo như thế nào.
Giá trị việc phát hiện cây thước cổ
Do vậy, phát hiện này có giá trị cả về mặt lịch sử văn hóa và kỷ thuật vô cùng quý hiếm, giải
mã nhiều câu hỏi của quá khứ nhất là về đơn vị đo lường xưa của người Chăm
khi xây dựng đền tháp, tỉ lệ khoảng cách giữa các tháp trong nhóm, giữa các tầng
tháp, vòm cuốn tầng trên, tầng dưới, hệ thống cửa giả bao quanh… Phát hiện này mang tầm quan trọng lớn
về mặt khảo cổ, và nó có khả năng cung cấp rất nhiều thông tin về phương tiện,
cách đo lường của người Chăm xưa mà các nhà khoa học đang tìm kiếm.
Những thông tin về cây thước cổ phát hiện ở
tháp Pô Dam đã được chúng tôi gửi đến Hội nghị Thông báo Khảo cổ học
toàn quốc lần thứ 55, tháng 9/2020 do Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học
xã hội Việt Nam) tổ chức tại Hải Phòng, đưa đến Hội nghị phát hiện mới về di vật
quý hiếm của văn hóa Chăm. Cũng trong thời gian gần đây TS. Nguyễn Khánh
Trung Kiên ở Trung
tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) cho biết thêm, khi khai quật
ở văn hóa Óc Eo cũng phát hiện cây thước cổ có hình dáng như cây thước cổ của
người Chăm ở tháp Pô Dam, nhưng chiều dài chỉ có 12cm và bằng chất liệu gang.
Quá trình nghiên cứu, theo chúng tôi thì cây thước cổ mới
phát hiện là dụng cụ đo đạc trong việc xây tháp Pô Dam; và cũng rất có thể đây
chính là dụng cụ đo đạc của người Chăm xưa khi xây dựng các đền tháp Chăm khác.
Vì cây thước đồng có dấu vết đúc hàng loạt và sẽ được làm dụng cụ đo lường ở
nhiều nơi trong vương quốc Chămpa xưa. Do độ dài của cây thước là 19,5cm sẽ khó
khăn khi đo những công trình có kích thước lớn, rộng. Có thể người xưa sẽ dùng
cây thước đo khoảng 5 lần lên một thanh gỗ khác để tiện dụng hơn khi đo, như vậy
cây thước mới sẽ có độ dài tương đương 1 mét (97,5cm). Hoặc có thể lấy cây thước
tâm linh này làm điểm để nhân lên những vật thể khác lớn hơn khi đo đạc nhưng vẫn
giữ được các cung phong thủy, giúp phân định các khoảng tốt
hay xấu, giúp người sử dụng biết được kích thước thế nào là đẹp
nên sử dụng và kích thước nào là xấu nên tránh. Việc phát hiện cây thước cổ ở tháp Pô Dam có thể
giúp giải đáp bí ẩn hàng nhiều thế kỷ về đơn vị đo lường của người Chăm xưa.
Nguyễn Xuân Lý