Cải cách hành chính
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
HỒ CHỨA NƯỚC KA PÉP - DỰ ÁN ẤM TÌNH NGƯỜI
Lượt xem: 4431
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với 23 hồ chứa lớn nhỏ hiện có, nhưng chưa dự án hồ chứa thủy lợi nào có tính chất đặc biệt về quy hoạch và quá trình đầu tư xây dựng như hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam. Dự án đã hoàn thành giai đoạn Báo cáo nghiên cứu khả thi. Mặc dù, công trình có chiều cao đập 27,5m, dung tích hồ 51,21 triệu.m3, tổng mức đầu tư hơn 585tỷ đồng, công trình cấp II, nhưng đây là Dự án quan trọng Quốc gia,cấp quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội (Nghị quyết 93/2019/QH14), cấp quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, chủ quản đầu tư là Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận,đơn vị quản lý điều hành dự án là Ban QLDA ĐTXD các công trình Nông nghiệp & PTNT tỉnh. Công trình thủy lợi hồ chứa nước Ka Pét được đưa vào quy hoạch khá sớm nhưng có thời gian chuẩn bị đầu tư lâu nhất (hơn 20 năm), hiện nay đã đủ điều kiện để xây dựng trong những năm tới, bằng nguồn vốn đầu tư phát triển của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020, trên vùng đất khô cằn Hàm Thuận Nam của tỉnh.Nhân dịp mùa Xuân Tân Sửu-2021đến, xin trân trọng giới thiệu vài nét về công trình này.     
  1. Vai trò hồ Ka Pét trong quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cà Ty

Theo Quy hoạch thủy lợi giai đoạn 1995-2010 được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt tại Quyết định số 366 NN-QH/TL/QĐ ngày 26/12/1995; Quy hoạch phát triển thủy lợi giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2030 được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt tại Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 18/2/2013 và Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam Bộ giai đoạn đến 2030 và định hướng đến 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng tại Quyết định số 4326/QĐ-BNN-TCTL ngày 02/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT đều đưa hồ Ka Pét vào quy hoạch. Trong đó, theo Quy hoạch thủy lợi 1995-2010 hồ Ka Pét dự kiến đầu tư xây dựng từ năm 1998-1999, kinh phí khoảng 106,4 tỷ Đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Như vậy, sau hơn 20 năm dự án hồ Ka Pét mới hoàn thiện đủ điều kiện để chuẩn bị xây dựng. Tất cả quy hoạch nêu trên, cùng với các công trình Đập dâng Ba Bàu (xây dựng 1996, hoàn thành 1999), Hồ Sông Móng (xây dựng 2007, hoàn thành 2012) và Hồ Ka Pét là hệ thống công trình quy hoạch liên hoàn có tính chất bổ trợ nguồn nước cho nhau để phát huy diện tích đất canh tác và tăng diện tích đất gieo trồng cho khu vực Hàm Thuận Nam. Ngoài ra, H Ka Pét còn có nhiệm vụ trữ nước từ Hồ La Ngà 3 (thông qua đường ống dẫn nước Q = 8,3 m3/s) để tăng khả năng cấp nước cho hạ du lưu vực sông Cà Ty.

Trên lưu vực Cà Ty đã xây dựng hồ Sông Móng có dung tích toàn bộ là 37 triệu. Nguồn nước đến lưu vực có khả năng khai thác tại tuyến công trình ứng với tần suất P=85% là 154,4 triệu m3. Sau khi trừ đi khả năng tích trữ của đập dâng Ba Bàu, hồ sông Móng và các ao bàu khoảng 51,5 triệu m3 thì nguồn nước đến vẫn có thể bổ sung thêm hồ chứa nước mới. Trong năm 2021 sẽ khời công (sau khi hoàn chỉnh công tác chuẩn bị đầu tư) xây dựng hồ Ka Pét nằm trên sông Ka Pét thuộc xã Mỹ Thạnh, Hàm Thuận Nam. Như vậy, tổng số các công trình hồ hiệu trạng và hồ chứa nước mới quy hoạch đến năm 2021 là 5 công trình. Tổng dung tích hiệu dụng của các hồ chứa đập dâng Ba Bàu và các ao bàu thuộc lưu vực Cà Ty khoảng 95,5 tr m3.

Tổng hợp các thông số kỹ thuật công trình hồ chứa lưu vực sông Cà Ty

TT

Công trình

Flv

(km2)

MNDBT  (m)

MNC   (m)

Vtb

106 m3

Vhd   

   106 m3

Vc        106 m3

Fmndbt  km2

Ghi chú

1

Ka Pét

104

136

123,6

51,21

47,42

3,81

6,87

Sắp XD

2

Sông Móng

100

75,8

65

37

34

3

5,27

Hiện trạng

3

Đu Đủ

13,9

61

55,8

3,66

3,36

0,3

-

Hiện trạng

4

Cẩm Hang

20

25

21

1,18

1,1

0,13

-

Hiện trạng

5

Suối Thị

18

46,3

44,1

0,27

0,25

0,02

-

Hiện trạng

 

 

Đập đầu mối và tuyến kênh chính Bà Bàu

Hồ chứa nước Sông Móng, tràn xả lũ Labyrinht 

  1. Quá trình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư

Mặc dù đã được đưa vào quy hoạch từ năm 1995, dự kiến xây dựng 1998-1999 nhưng Dự án hồ Ka Pét có quá trình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư khá phức tạp, lâu dài. Công trình được tiến hành lập dự án vào năm 2009-2011 do Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện Thăng Long lập, nhưng không bố trí được nguồn vốn nên đến năm 2017 được bố trí vốn, dự án tái triển khai và Viện đào tạo & Khoa học ứng dụng Miền Trung được giao cập nhật chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ dự án và dự án đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 3694/QĐ-UBND ngày 22/11/2017. Tuy nhiên, đến năm 2018, trong quá trình báo cáo Chính phủ xin chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1114/TTg-NN ngày 30/8/2018 chỉ đạo “Đối với dự án Hồ chứa nước KaPét và đường vào hồ - huyện Hàm Thuận Nam, diện tích 680,41 ha (rừng đặc dụng 160,55 ha, rừng phòng hộ 0,91 ha, rừng sản xuất 471,09 ha). Đây là dự án, công trình có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng trên 50 hécta (ha) nên phải được Quốc hội Quyết định chủ trương đầu tư”. UBND tỉnh Bình Thuận đã thu hồi Quyết định phê duyệt dự án và tiến hành lập lại Báo cáo nghiên cứu Tiền khả thi để trình vào năm 2019 trình và đã được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019.

  1. Giải pháp công trình

Lựa chọn giải pháp đề đầu tư xây dựng tuyến đầu mối (Đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, cống lấy nước đầu mối…) và hệ thống kênh mương của hồ Ka Pét phù hợp với điều kiện hiện trạng thủy lợi vùng dự án và có tính khả thi về kỹ thuật và hiệu quả về kinh tế là sự cân nhắc thận trọng, khoa học và thực tiễn. Qua kết quả nghiên cứu của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cho chúng ta thấy rằng, giải pháp lựa chọn quy mô, tuyến công trình có những ưu nhược điểm sau:

2.1 Vị trí Đập đầu mối: Cách vị trí cầu Bà Bích khoảng 4,5km về phía thượng lưu (trên nhánh suối Ka Pét). Đây là tuyến đầu mối đã được nghiên cứu rất kỹ trong các giai đoạn quy hoạch trước đây, vị trí này có tính ưu điểm là không gây ngập cầu Bà Bích và tuyến đường độc đạo đi vào xã Mỹ Thạnh, không gây ngập khu sản xuất 127 ha hiện hữu của đồng bào dân tộc. về mặt kỹ thuật cho thấy, tỷ lệ giữa dung tích hồ và diện tích ngập lòng hồ lớn hơn do lòng hồ dốc hơn, điều kiện địa hình, địa chất tại vị trí xây dựng đập chính khá thuận lợi, ưu việt (đập chính rất ngắn, địa chất nền khá tốt …), dung tích hồ có thể chứa nước nhiều hơn. Tuy nhiên, do diện tích lưu vực nhỏ hơn 41km2, nên khả năng sinh thủy ít hơn. Về giải pháp công trình phải xây dựng thêm công trình điều tiết và tuyến kênh chuyển nước. Ngoài ra, khoảng cách từ hồ đến khu tưới chính Hàm Cần xa hơn, chiều dài tuyến đường thi công kết hợp quản lý ở dài hơn.

2.2 Tuyến kênh: Tận dụng đập dâng Hàm Cần hiện có, nâng cấp đoạn kênh chính hiện trạng có chiều dài hơn 6,4km, đồng thời kéo thêm khoảng 9,2km để nối vào kênh Sông Linh – Cẩm Hang. Giải pháp này có tính ưu việt là tận dụng được các công trình hiện trạng (đập Hàm Cần + 6,4km kênh chính), nên giảm được khối lượng đền bù GPMB, giảm chi phí đầu tư xây dựng, rút ngắn được thời gian thi công, số lượng công trình trên kênh ít, việc thi công sẽ dễ dàng do thuận lợi về điều kiện địa hình. Tuy nhiên, không thể mở rộng thêm được khu tưới với diện tích khoảng 200ha phía trên kênh chính Hàm Cần hiện hữu (bị khống chế cao độ tướ), và không tạo được hành lang bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.

 

Đi khảo sát lựa chọn vị trí tuyến đập hồ Ka Pét (tháng 11/2007)

BẢN ĐỒ KẾT NỐI HỒ KA PÉT VÀ CÁC DỰ ÁN THỦY LỢI ĐÃ XÂY DỰNG LƯU VỰC CÀ TY

3.Hiệu quả của hồ Ka Pét trong phát triển kinh tế xã hội huyện Hàm Thuận Nam

Dự án hồ chứa nước Ka Pét là hồ có chức năng tích trữ tạo nguồn nước và có mục tiêu chủ yếu là cấp nước tưới cho sản xuất Nông nghiệp (trong đó chủ yếu là diện tích trồng Thanh long), cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết. Sau khi hoàn thành công tr2inh sẽ mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho các xã huyện Hàm Thuận Nam, đó là: Cấp nước Tưới cho 7.762ha, gồm: Khu tưới Mỹ Thạnh là 127,0ha; Khu tưới đập Hàm Cần: 1.430ha (hiện trạng 450ha, mở rộng 980ha); Bổ sung nước tưới cho khu tưới 745ha của kênh Sông Linh – Cẩm Hang; Điều tiết bổ sung nước cho diện tích 1.000 ha thuộc khu tưới của hồ Ba Bầu; Tiếp nước để tưới mở rộng cho khu tưới của hồ sông Móng gồm: Khu tưới kênh Sông Móng – Đu Đủ - Tân Lập với diện tích 2.500ha và khu tưới kênh Đu Đủ -Tân Thành (dự án ADB8) diện tích 1.960ha. Cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp: Cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II: 2,63 triệu m3/năm; Cấp nước thô cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết. Điều tiết, cắt giảm đỉnh lũ và cải tạo môi trường: Trung chuyển nước từ hồ La Ngà 3 sang lưu vực sông Cà Ty với lưu lượng 8,3m3/s (khi hồ La Ngà 3 hoàn thành); Cắt giảm đỉnh lũ trên sông Cà Ty và điều tiết nước cho vùng hạ du gồm huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nhất là tình hình hạn hán diễn ra khốc liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, với việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét có quy mô dung tích chứa hơn 51 triệu m3 để cấp nước với các nhiệm vụ nêu trên sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục tình trạng hạn và phát triển kinh tế xã hội cho huyện Hàm Thuận Nam và vùng phía Nam Bình Thuận. Dự án ra đời mang lại lợi ích cấp nước tưới cho khoảng 12.000 hộ dân, với khoảng 51.108 nhân khẩu ở 11/12 xã của huyện Hàm Thuận Nam. Trong đó, có 820 hộ là dân tộc thiểu số (tập trung ở khu vực các xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần và Hàm Thạnh). Số người được hưởng lợi từ việc cấp nước cho sinh hoạt là khoảng 120.000 người, trong đó thành phố Phan Thiết là khoảng 60.000 người. Dự án hồ Ka Pét là món quà vô cùng to lớn cho nhân dân huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận, là tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của bà con từ hơn 20 năm nay. Với niềm hy vọng về mùa xuân Tân Sửu tươi mới lại đến, trong năm tới dự án sẽ đủ điều kiện để khởi công, công trình ra đời nhân dân vùng hưởng lợi sẽ không còn lo lắng về vấn đề nước cho sản xuất, cho sinh hoạt mà hàng năm cứ đến mùa khô kiệt là chồng chất nổi âu lo, vì không đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh họat và cuộc sống.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét sẽ là công trình mang lại nguồn nước tươi mát, dồi dào niềm vui, ấm lòng người dân vùng khô hạn trong những ngày sắc xuân đang nở rộ trên quê hương Bình Thuận thân thương./.    


   

 


Chú thích: Bài viết có sử dụng số liệu trong Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Hồ Ka Pét.

Phạm Tuyền

 



ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang