Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo đối với người khiếu nại, tố cáo
Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước ta ghi nhận qua các thời kỳ. Khiếu nại, tố cáo là một trong những hình thức dân chủ trực tiếp để công dân tham gia việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân.
Tuy nhiên, một số đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ của mình để thực hiện việc khiếu nại, tố cáo trái quy định và có những hành vi phạm pháp luật trong khiếu nại, tố cáo. Nhiều trường hợp, việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật nhưng người khiếu nại, tố cáo vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo đến nhiều ngành, nhiều cấp, gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước, cũng như làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Để xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo đối với người khiếu nại, tố cáo, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Cố tình khiếu nại sai sự thật; kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh, trật tự công cộng; lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác; vi phạm quy chế tiếp công dân.
Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại đối với người khiếu nại được quy định tại Điều 68 của Luật Khiếu nại năm 2011 cụ thể như sau: Người nào có một trong các hành vi quy định tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 6 của Luật này (Cố tình khiếu nại sai sự thật; kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng; lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác; vi phạm quy chế tiếp công dân) hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật Tố cáo năm 2018 cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo như: Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo; mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo; Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.
Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo đối với người tố cáo được quy định tại Điều 65 của Luật Tố cáo 2018 cụ thể như sau: Người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi quy định tại Điều 8 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, cả Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2018 đều đã quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong khiếu nại, tố cáo và việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật đối với người khiếu nại, tố cáo nhằm răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho công dân, đặc biệt, đối với các trường hợp lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối trật tự công cộng, xúc phạm uy tín, danh dự cơ quan, tổ chức, cá nhân người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo./.
Văn Hạnh