Cải cách hành chính
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra
Lượt xem: 1607
Ngày 01/10/2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Theo đó, Thông tư này áp dụng đối với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, người được giao nắm tình hình, người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm định và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư này quy định người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được tham gia Đoàn thanh tra: Người có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, con, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra; người đang trong thời gian bị xem xét xử lý ký luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người có hành vi vi phạm bị xử lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Thông tư này mà chưa hết thời hạn xóa ký luật, xóa án tích; người không đủ các điều kiện khác để tham gia Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật.

Thông tư cũng quy định, trước khi ban hành Quyết định thanh tra, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý nhà nước của mình, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (gọi chung là Người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra) chỉ đạo thu thập thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc ban hành Quyết định thanh tra trên cơ sở đề xuất của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị dự kiến chủ trì cuộc thanh tra.

Việc thu thập thông tin, tài liệu được thực hiện như sau:

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra báo cáo theo Đề cương yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Khi cần thiết và được Người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra đồng ý bằng văn bản thì người được giao thu thập thông tin, tài liệu làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến là đối tượng thanh tra.

- Người được giao thu thập thông tin, tài liệu có trách nhiệm báo cáo kết quả thu thập thông tin, tài liệu bằng văn bản với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình và Người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra. Báo cáo gồm các nội dung: Khái quát tình hình hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến được thanh tra; tình hình chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến nội dung thanh tra; kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra (nếu có) và các thông tin khác có liên quan; đề xuất cụ thể nội dung, đối tượng, thời kỳ, thời hạn thanh tra.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện có sai phạm thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra lập biên bản về việc sai phạm để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải xử phạt vi phạm hành chính thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra phải thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra quy định tại các Điều 46, 48, 53 và Điều 55 của Luật Thanh tra để chấm dứt hành vi vi phạm, kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Trong trường hợp sai phạm của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan không thuộc thẩm quyền xử lý của mình thì Trưởng đoàn thanh tra kiến nghị Người ra quyết định thanh tra hoặc Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo Người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, Người ra quyết định thanh tra chỉ đạo Đoàn thanh tra tiếp tục thanh tra theo kế hoạch tiến hành thanh tra đã phê duyệt và ban hành Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật. Việc chuyển và bàn giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra phải được lập thành văn bản và thực hiện theo Mẫu số 28, Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/11/2021 và thay thế cho các Thông tư: Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; Thông tư số 08/2015/TT-TTCP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về sổ nhật ký Đoàn thanh tra; Quyết định số 2316/QĐ-TTCP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ ban hành Quy trình thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra./.

Văn Hạnh

Tin khác
1 2 3 

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang