Cải cách hành chính
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Ứng dụng phát triển giống mì kháng bệnh chổi rồng trên địa bàn huyện Hàm Tân
Lượt xem: 1472

Theo Cục thống kê Bình Thuận, năm 2017 diện tích trồng mì của tỉnh đạt 28.193 ha, sản lượng đạt 478 ngàn tấn. Bình Thuận là tỉnh có diện tích sản xuất mì lớn nhất của toàn vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và là một trong những tỉnh có diện tích mì cao của cả nước. Hàm Tân là huyện có diện tích trồng mì luôn đạt cao nhất tỉnh với bình quân 11.000 ha/năm. Trong đó, xã Sông Phan là địa phương có diện tích trồng mì tương đối lớn trong 3 năm gần đây bình quân 1.752 ha, đứng thứ 3 trong toàn huyện. Song các vùng trồng mì của huyện đều bị nhiễm bệnh chổi rồng rất nặng với khoảng 2.000 ha/năm.

Cây mì là loại cây trồng không kén đất, chịu chi phí đầu tư thấp, nên cây mì rất được quan tâm trên địa bàn huyện Hàm Tân. Mức biến động về diện tích, năng suất và sản lượng mì trong những năm gần đây trên địa bàn huyện có chiều hướng giảm, nguyên nhân chủ yếu là do diện tích đất trồng mì bị thoái hóa, cây mì bị bệnh chổi rồng nhện đỏ trong khi đó, nhu cầu nguồn nguyên nhiên liệu đang có chiều hướng tăng cao.

Bệnh "chổi rồng" phytoplasma (dịch khuẩn bào) trên cây mì xuất hiện khá phổ biến và chưa có biện pháp để điều trị hữu hiệu. Cây mì bị bệnh chổi rồng sớm thường không cho thu hoạch. Cây bị bệnh muộn thì làm giảm năng suất từ 10- 30%, hàm lượng tinh bột chỉ đạt (15- 20%). Bệnh này có dạng ẩn, vì nhìn cây mì có vẻ khỏe mạnh, nhưng vẫn có thể đã bị nhiễm bệnh; do đó rất khó phòng trừ.

Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng như Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp huyện đã nghiên cứu tìm biện pháp điều trị bệnh chổi rồng như thay đổi giống, luân canh, xen canh cây trồng, thay đổi tập quán canh tác… nên diện tích cây mì bị bệnh chổi rồng có giảm nhưng không triệt để.

Bệnh chổi rồng trên cây mì (sắn). Ảnh: Internet.

Trong nhiều năm qua, Hàm Tân đã tiếp nhận những thành tựu nghiên cứu về giống mới như: KM94, KM98-5, KM60, KM140, SM937-26 là những giống mì do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam chọn tạo và phát triển. Tuy nhiên hiệu quả đem lại vẫn chưa cao. Thực tế các vùng trồng mì trên địa bàn huyện vẫn còn bị nhiễm chổi rồng, nhân dân có nhu cầu trồng các giống mì mới có khả năng kháng chổi rồng. Việc nghiên cứu xây dựng và phát triển bộ giống mì kháng bệnh chổi rồng sẽ giúp nông dân giảm chi phí đầu tư và nâng cao năng suất.

Theo Nguyễn Hữu Hỷ và cộng tác viên - Trung tâm Thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (2015), sau 7 tháng trồng tại Đồng Nai giống mì HL-S11 có năng suất củ đạt 45- 55 tấn/ha, hàm lượng tinh bột cao đạt 28,5 - 31%, tỷ lệ nảy mầm cao, cây mọc đều, chống chịu tốt các loại sâu bệnh phổ biến như nhện đỏ, rệp sáp, chịu hạn và quan trọng là không bị bệnh chổi rồng, có thể kéo dài thời gian đến cả tháng để mì dưới đất khi đã đến kỳ thu hoạch mà không lo giảm độ tinh bột, so với các giống mì khác đây cũng là đặc điểm nổi trội. Giống HL-S12 có năng suất củ đạt 45-50 tấn trong điều kiện thâm canh có tưới đạt khoảng 100 tấn/ha, hàm lượng tinh bột đạt 27-28%, chưa thấy xuất hiện bệnh chổi rồng.

Giống mì (sắn) HL-S11 kháng bệnh chổi rồng của Trung tâm Thực nghiệm Hưng Lộc (Đồng Nai).

Qua nghiên cứu, tìm hiểu, Phòng NN&PTNT Hàm Tân đã lựa chọn đưa giống mì HL-S11, HL-S12 trồng thử nghiệm trên vùng đất xã Sông Phan, huyện Hàm Tân. Kết quả khảo sát nhanh của Phòng NN&PTNT Hàm Tân và UBND xã Sông Phan cho thấy các hộ trồng thử nghiệm đều có nhu cầu trồng giống mì mới có năng suất cao, kháng bệnh chổi rồng. Chính vì vậy, Phòng NN&PTNT Hàm Tân mạnh dạn đề xuất và được phê duyệt thực hiện đề tài “Ứng dụng phát triển bộ giống mì kháng bệnh chổi rồng trên địa bàn huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận”.

Kết quả, giống HL-S11 và HL-S12 thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của địa phương, không bị bệnh chổi rồng, sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao so với những giống mì nông dân đã trồng trước đây trên địa bàn huyện.Việc trồng giống mì HL-S11 và HL-S12 không có bệnh chổi rồng do đó cũng hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường.

Triển khai đề tài này, Phòng NN&PTNT đã xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác giống mì kháng bệnh chổi rồng HL - S11, HL - S12 thích hợp với điều kiện sinh thái huyện Hàm Tân. Song song đó, nhóm thực hiện đề tài cũng chuyển giao giống mì kháng bệnh chổi rồng cho bà con nhằm tăng năng suất và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, từ đó nhân rộng sản xuất cho các hộ trồng mì có nhu cầu canh tác trên địa bàn huyện.

Các hộ nông dân đồng tình tiếp nhận giống mì mới HL-S11 và HL-S12 đồng thời tiếp thu được những ưu điểm vượt trội của giống, cũng như kỹ thuật canh tác mì đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó áp dụng kỹ thuật thâm canh và chăm sóc mì cao sản vào sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống./.

H.Trang


ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang