Cải cách hành chính
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tìm hiểu lễ hội Katê ở tháp Pô Sah Inư
Lượt xem: 1765
Từ nhiều thế kỷ trước cho đến nữa đầu thế kỷ XX, người Chăm thường thực hiện nhiều lễ nghi ở tháp Pô Sah Inư, vì đây là nhóm đền tháp cổ kính ở về phía Nam của vương quốc Chămpa, chuyên phục vụ cho sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Khoảng từ giữa thế kỷ XX lễ nghi ở đây ngày càng thưa dần do tác động xấu của thời gian và thiên nhiên, cùng với hai cuộc chiến tranh ác liệt và lâu dài. Và mặt khác, quan trọng hơn là các tháp trong nhóm cũng ngày càng xuống cấp nặng nề và đang trên đà sụp đổ, ít người dám đến gần. Thỉnh thoảng một số người Chăm từ nhiều nơi đến viếng thăm và cúng lễ, có khi họ đi thành đoàn lên đến vài ba chục người. Sau năm 1975, một bộ phận người Chăm ở các xã Hàm Trí, Hàm Phú, Ma Lâm ở huyện Hàm Thuận Bắc và Phan Rang thường về đây cúng lễ; tuy nhiên, số lượng người tham dự ít dần, nghi thức được giản lược.

Những thập niên cuối thế kỷ XX, tháp Pô Sah Inư đã từng bước được tu bổ tôn tạo, từ gia cố chống sụp đổ đến việc trùng tu để trả lại hình dạng ban đầu. Đồng thời, nhu cầu cần thiết phải phục dựng lại lễ hội Katê như trước đây được đặt ra cấp bách, nhưng phải dựa trên cơ sở nguyên gốc và khoa học để đáp ứng nhu cầu về lễ nghi, tín ngưỡng cho đa số người Chăm ở Bình Thuận và các nơi, và từ di sản văn hóa của đó sẽ thành sản phẩm văn hóa đặc sắc phục vụ phát triển du lịch.

Trong chương trình mục tiêu phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL), năm 2005 Dự án phục dựng lễ hội Katê được Bảo tàng Bình Thuận nghiên cứu và phục dựng thành công với đầy đủ các quy trình về thời gian, không gian, nội dung và hình thức, đảm bảo các yêu cầu về văn hóa nghệ thuật dân gian như trước. Dự án đã được Hội đồng chức sắc và cộng đồng người Chăm địa phương góp ý từng nội dung cả về văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng. Họ coi đó như là trách nhiệm thiêng liêng của cộng đồng đối với ông bà, tổ tiên và khi lễ hội triển khai là dịp để mọi người được trở về với cội nguồn, gốc rễ; cuối cùng họ là chủ lễ cũng đồng thời là những người tham gia từ đầu đến cuối. Sau khi thực hành xong, mùa lễ hội năm 2005 Katê được chính thức ra mắt tại tháp Pô Sah Inư với sự tham gia của hàng ngàn người, bao gồm người Chăm từ khắp nơi đến cùng với du khách ở Phan Thiết và các nơi đến tham gia, thưởng lãm lễ hội trong sự háo hức và niềm mong mỏi, chờ đợi từ lâu nay.

Lễ hội Kate được tổ chức tại tháp Pô Sah Inư. Ảnh: Xuân Lý.

Theo tập tục truyền thống ngoài những lễ nghi tại địa phương để phục vụ lễ hội Katê, thì tại tháp Pô Sah Inư phải thực hiện thứ tự những công đoạn và nghi lễ sau: dựng rạp lễ, lễ Tống ôn, lễ rước Kiệu thần, lễ Mở cửa tháp, lễ Tắm tượng thần, lễ Mặc trang phục cho thần và cuối cùng là Đại lễ.

Sáng hôm sau đúng vào ngày mùng 1 tháng 7 Chăm lịch, đoàn rước lễ chỉnh đốn lễ phục, kiệu lễ, tàn, lọng, cờ quạt... và khi tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ginăng, Paranưng và tiếng chiêng cùng cất lên rộn rã, thánh thót thì cũng là lúc đoàn lễ thỉnh rước Kiệu trang phục khởi hành lên tháp. Trong suốt chặng đường dài thỉnh rước Kiệu thần lên tháp, đoàn lễ đã phô diễn cho du khách và công chúng những nét đặc trưng độc đáo của lễ hội, qua các lễ phục với đủ sắc màu, thưởng thức các vũ điệu dân gian với các loại nhạc cụ và điệu múa quạt, múa trống, múa vòng. Hai bên đường lên tháp khi đoàn rước lễ đi qua, hàng ngàn người dân địa phương, người Chăm tham dự, du khách trong và ngoài nước xem đoàn lễ rước kiệu vào tháp thật đông vui, náo nức khiến cho không khí lễ hội càng thêm rộn ràng và sôi động. Khung cảnh tháp Pô Sah Inư thường ngày trầm lặng, tĩnh mịch đứng giữa ngọn đồi quanh năm lộng gió, giờ đây bỗng trở nên ấm áp, nhộn dịp chào đón lễ hội Katê.

Dự án phục dựng lễ hội Katê được Bảo tàng Bình Thuận nghiên cứu và phục dựng thành công với đầy đủ các quy trình về thời gian, trả lại không gian văn hóa dân gian, nội dung và hình thức đúng nghĩa như hàng trăm năm trước người Chăm từng thực hiện. Và có thể so sánh với một số lễ hội của các dân tộc anh em trong tỉnh như lễ hội Ramưwan, lễ hội Dinh Thầy, lễ hội chùa Núi, lễ hội Nghinh Ông thì lễ hội Katê cũng có không gian rộng và thời gian dài, số nghệ nhân tham gia đông, cường độ diễn ra liên tục, số lượng người tham dự nhiều. Lễ hội Katê sau khi phục dựng thành công, từ năm 2005 đến nay đã được tỉnh Bình Thuận chọn lựa là một trong những lễ hội dân gian phục vụ phát triển du lịch.

Đây là một lễ hội phục dựng từ nguyên gốc, nên bản thân nó khi diễn ra đã có một sức sống mãnh liệt và được công chúng đón nhận với số lượng đông đảo, có sức thuyết phục lớn vì nó được người dân yêu mến, xem đó là nhu cầu cần phải có, không phải chỉ là những nội dung của văn hóa dân gian khi xưa được làm sống lại trên cơ sở kế thừa và trao truyền mà nó còn có ích cho cả cuộc sống hôm nay. Nhóm đền tháp Pô Sah Inư hơn 30 năm trước bị thiên nhiên và chiến tranh tàn phá sụp đổ quá nửa, trở thành những đống gạch bể pha trộn đất đá, đã được tu bổ tôn tạo lại để có hình dáng xưa như hôm nay. Khi lễ hội Katê được phục dựng lại đã gắn kết với tháp Pô Sah Inư và thực sự làm cho không khí ở nhóm đền tháp có nhiều khởi sắc, góp phần khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Chăm và là yếu tố tích cực thúc đẩy mọi người biết trân trọng và bảo vệ văn hóa truyền thống, đặc biệt là các giá trị, nội dung của lễ hội Katê./.

Nguyễn Xuân Lý


ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang