Cải cách hành chính
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Truyền dẫn với hiệu quả phổ tần cao trong mạng di động băng rộng thế hệ mới: Phát triển kỹ thuật và mạng lưới hợp tác
Lượt xem: 1113
Công nghệ truyền thông không dây ngày nay đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống hàng ngày ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong thực tế, với khả năng truyền thông tức thời và truy cập vào dữ liệu đa phương tiện ở bất kỳ đâu trên toàn thế giới, công nghệ này đã thay đổi cuộc sống của con người và các hoạt động hàng ngày.

Ngoài ra, với sự tăng trưởng theo cấp số nhân của các thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng...), các ứng dụng của công nghệ truyền thông không dây đang ngày càng trở nên tiên tiến hơn, khả năng cung cấp các dịch vụ đầu cuối tốc độ cao: từ các ứng dụng định vị GPS tới ứng dụng thoại, tin nhắn, internet di động, các ứng dụng đa phương tiện, trao đổi dữ liệu, điều khiển từ xa... từ các hệ thống không dây ban đầu với tốc độ truyền dẫn vài kbps, đến các hệ thống hiện tại với tốc độ lên tới hàng trăm Mbps. Số lượng dịch vụ tăng dẫn đến yêu cầu cấp bách về băng tần ngày càng lớn. Tuy nhiên, tài nguyên phổ tần số vô tuyến ngày càng trở lên khan hiếm và đã được phân bổ, cấp phép cho các dịch vụ khác nhau, việc chia sẻ các dải phổ này là không được phép. Việc phân bổ phổ tần cho các dịch vụ và ứng dụng không dây mới luôn là một bài toán khó cho các nhà quản lý.

Trong bốn thập kỷ qua, thông tin di động đã phát triển vượt bậc từ thế hệ thứ 1 (1G) đến thế hệ thứ 4 (4G) góp phần đáng kể vào sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Thế hệ tiếp theo (5G) của thông tin di động dự kiến sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tăng trưởng bùng nổ số lượng các thiết bị kết nối và lưu lượng truy cập dữ liệu băng thông rộng. Để phục vụ cho một số lượng lớn các mạng không dây cùng tồn tại ngày càng tăng nhanh như vậy, tài nguyên tần số vô tuyến trở nên ngày càng khan hiếm. Do đó, các thế hệ mạng tiếp theo (5G) đang tìm kiếm các kỹ thuật truyền dẫn tiên tiến hơn để đạt được hiệu suất phổ cao hơn các mạng thế hệ cũ. Hiện tại, Việt Nam có một số lượng lớn các chuyên gia làm việc tại các doanh nghiệp công nghệ viễn thông trong nước. Tuy nhiên, sự hợp tác hiệu quả giữa các chuyên gia công nghệ và các nhà khoa học trong đại học còn hạn chế.

Nhằm nghiên cứu đề xuất một số kỹ thuật truyền dẫn có hiệu quả phổ cao cho truy cập dữ liệu di động, phổ biến lý thuyết và công nghệ truyền thông di động vô tuyến cho cộng đồng nghiên cứu và công nghiệp và thiết lập một nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực truyền thông không dây, nhóm thực hiện đề tài Đại học Đà Nẵng do PGS.TS. Nguyễn Lê Hùng làm chủ nhiệm đã đăng ký hồ sơ triển khai tiểu dự án FIRST trong đó có mời các chuyên gia giỏi nước ngoài và trong nước hợp tác thực hiện tiểu dự án: “Truyền dẫn với hiệu quả phổ tần cao trong mạng di động băng rộng thế hệ mới: Phát triển kỹ thuật và mạng lưới hợp tác”.

Sau 16 tháng thực hiện tiểu dự án FIRST, nhờ sự hỗ trợ tài chính từ dự án FIRST và tri thức KHCN mới từ các chuyên gia giỏi nước ngoài, tiểu dự án đã hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ khoa học trong thỏa thuận tài trợ. Các sản phẩm khoa học của tiểu dự án được hoàn thành đầy đủ gồm 1 bài báo được công bố trên tạp chí uy tín quốc tế (danh mục ISI), 1 bài báo được công bố trên tạp chí uy tín quốc tế ISI, 1 bài báo đã được chấp nhận công bố trên tạp chí ISI, 01 bài báo đã được gửi đến tạp chí uy tín quốc tế (danh mục ISI). Tiểu dự án đã nghiên cứu và đề xuất được các kết quả nghiên cứu mới đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và tốc độ truyền thông tin trong các mạng thông tin vô tuyến thế hệ mới. Cụ thể, các kết quả nghiên cứu mới của tiểu dự án FIRST gồm:

1) Công nghệ truyền dẫn đa truy cập không trực giao trong mạng thông tin di động: Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí IEEE Access (Tạp chí quốc tế uy tín thuộc SCIE của ISI);

2) Công nghệ truyền dẫn đa tế bào song công trong mạng thông tin di động: Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí IEICE Transactions on Communications (Tạp chí quốc tế uy tín thuộc SCI của ISI);

3) Kỹ thuật loại bỏ nhiễu đồng kênh trong hệ thống song công MIMO-OFDM: Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu này đã được gửi đến Tạp chí Journal of Engineering (Tạp chí quốc tế uy tín thuộc ESCI của ISI);

4) Kỹ thuật xác định tốc độ thông tin của kênh truyền vô tuyến đa anten phát: Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu này (minh chứng kèm theo) sẽ được gửi đến Tạp chí Electronics Letters (Tạp chí quốc tế uy tín thuộc SCI của ISI). Để truyền đạt các tri thức công nghệ mới, các chuyên gia giỏi nước ngoài trong tiểu dự án đã xây dựng 4 tài liệu bài giảng và triển khai tổ chức 4 khóa tập huấn cho hơn 90 cán bộ, chuyên gia công nghệ trong nước về lý thuyết và công nghệ tiên tiến cho các hệ thống thông tin vô tuyến qua các thế hệ. Ngoài ra, một mạng lưới hợp tác nghiên cứu đổi mới sáng tạo được hình thành trên cơ sở các thành viên tham gia tiểu dự án, các chuyên gia giỏi nước ngoài và các chuyên gia/nhà khoa học trong nước và nước ngoài (gồm 35 chuyên gia công nghệ đến từ 08 quốc gia và 23 cơ sở nghiên cứu, tập đoàn công nghệ).

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17596/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.


ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang