Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận: Tổ chức Toạ đàm “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - thúc đẩy đổi mới sáng tạo”
Sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Sở hữu trí tuệ là “một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế”, là nhân tố đem lại sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục cho chủ thể sở hữu và xã hội; là công cụ cạnh tranh hữu hiệu cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc gia trong hội nhập; là phương tiện đảm bảo sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia cũng như từng doanh nghiệp; là cách thức để các nước đang phát triển tiếp cận bền vững hơn với các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ, hội nhập quốc tế và là một yếu tố để chống lại nguy cơ tụt hậu và phát triển đất nước.
Ngày 28/4/2023, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tọa đàm “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, đây là dịp các phụ nữ trên địa bàn tỉnh cùng chia sẻ những kinh nghiệm thành công và những vướng mắc trong hoạt động nghiên cứu, phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ, qua đó tôn vinh những người phụ nữ Bình Thuận tài năng, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ.
Tham dự Tọa đàm có ông Nguyễn Hoài Trung – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Bà Mai Thanh Nga Trung – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ , TS. Phạm Thị Hồng Phượng – Trưởng làng Làng Ecotech - Techfest quốc gia – Trưởng Bộ môn Công nghệ Hóa học Vật liệu_Khoa Công nghệ Hóa học, trường Đại học Công nghiệp Tp.hCM cùng với sự tham dự 120 đại biểu nữ từ các Sở, ngành, các Hội đoàn thể; UBND các huyện, thị, thành phố; Hội Nữ Doanh nhân tỉnh; Câu lạc bộ Nữ thế hệ mới; Giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Phụ nữ đạt giải qua các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sáng tạo kỹ thuật. Đặc biệt có sự tham dự Giảng viên và sinh viên tại các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp cùng các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin.
Ông Nguyễn Hoài Trung – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hoài Trung – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình về sở hữu trí tuệ hỗ trợ các nhà khoa học nữ, nhà sáng tạo nữ, nhà sáng chế nữ, các doanh nghiệp hay hợp tác xã do phụ nữ làm chủ nhằm từng bước khắc phục những tồn tại về bình đẳng giới trong nghiên cứu và sáng tạo. Nhờ các quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, ngày càng nhiều phụ nữ có thể tiếp cận thông tin và tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt động sáng tạo, sáng chế thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tạo ra nhiều ý tưởng mới mẻ và đóng góp cho sự phát triển của xã hội”.
“Theo số liệu thống kê của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia vào năm 2019, có khoảng 46% trong tổng số nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là nữ giới. Các nữ trí thức đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước thông qua các công trình khoa học về lý thuyết và ứng dụng thực tế trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều đề tài nghiên cứu và sáng kiến khoa học do các nhà khoa học nữ đưa ra đã mang lại giá trị kinh tế lớn cho đất nước. Điều này cho thấy nữ trí thức ngày càng có vai trò quan trọng trong các cơ quan nghiên cứu khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp và có nhiều công trình nghiên cứu, lao động sản xuất, sáng tạo qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Tại Bình Thuận, phụ nữ đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong số đó, nhiều người đã tích cực tham gia chủ trì, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ và đã ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Minh chứng vai trò của nữ giới Bình Thuận là sự nỗ lực, tìm tòi, nghiên cứu đầu tư vào công nghệ chế biến để tạo ra các sản phẩm từ trái thanh long. Các nghiên cứu đó được đánh giá cao, đồng thời đã được đăng ký sáng chế độc quyền công thức trong chế biến trái thanh long".
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu tham dự đã chia sẻ những kinh nghiệm thành công và những vướng mắc trong hoạt động nghiên cứu, phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ.
Các nhà khoa học nữ, doanh nghiệp nữ Bình Thuận chia sẻ những khó khăn cũng như thành quả đạt được trong hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo
Bà Mai Thanh Nga - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Qua quá trình theo dõi của Sở Khoa học và Công nghệ, tiếp xúc với các hiệp hội, doanh nghiệp cho thấy đa phần các sáng kiến thiên về kỹ thuật, cơ khí thuộc về tác giả là nam giới. Nhưng những sáng kiến trong hoạt động sản xuất chế biến, đặc biệt là những sáng kiến hướng đến nông sản Bình Thuận phần lớn tập trung vào đối tượng nữ giới. Để phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ Bình Thuận với sở hữu trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc khơi dậy khát vọng tinh thần sáng tạo của phụ nữ tỉnh nhà. Đồng thời tìm ra những nữ doanh nhân thành đạt, nhà khoa học nữ có những công trình nghiên cứu hiệu quả thiết thực để chia sẻ kinh nghiệm, tạo động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cho phụ nữ tỉnh nhà noi theo. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với công chúng nói chung, cũng như tăng cường nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho phụ nữ nói riêng. Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ các nhà khoa học nữ, quảng bá, giới thiệu và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, gắn kết họ với doanh nghiệp nhằm khai thác và phát triển giá trị các tài sản trí tuệ, thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ là vô cùng cấp thiết. Đồng thời đưa những ý tưởng, khát vọng của nữ giới để tạo ra các sản phẩm cụ thể, mang tính chất hiện thực, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Mai Thanh Nga – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chia sẻ thông tin chung về sở hữu trí tuệ
Là nhà khoa học nữ có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học công nghệ nước nhà, TS. Phạm Thị Hồng Phượng – Trưởng làng Làng Ecotech – Techfest quốc gia chia sẽ “Người làm nghiên cứu khoa học chịu nhiều vất vả, đặc biệt càng trở nên thách thức đối với phụ nữ, khi họ vừa gánh trên vai các trách nhiệm “làm mẹ, làm vợ” và vừa hoàn thành việc trong gia đình, nhưng vẫn phải đảm bảo công việc nghiên cứu nên nỗi vất vả, khó khăn đối với phụ nữ tăng gấp đôi. Vì vậy, những tư tưởng và niềm tin không đúng chỗ sẽ là rào cản đối với đam mê, nhiệt huyết của những người phụ nữ hoạt động nghiên cứu khoa học. Bởi lẽ, nếu không được sự thông cảm, sẻ chia và ủng hộ từ phía người chồng, gia đình, thậm chí là đồng nghiệp, cấp trên, thì bản thân người phụ nữ sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách để dành thời gian, công sức và tâm huyết cho công tác nghiên cứu khoa học.
TS. Phạm Thị Hồng Phượng – Trưởng làng Làng Ecotech – Techfest quốc gia,
Trưởng bộ môn Công nghệ Hóa học Vật liệu – Khoa Công nghệ Hóa học – Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.
TS. Phạm Thị Hồng Phượng cũng khẳng định chỉ cần phụ nữ đam mê với hoạt động đổi mới sáng tạo, có ý tưởng, có quyết tâm thì chắc chắn sẽ thành công và không thua kém nam giới.
Một số hình ảnh tại Toạ đàm
Ông Nguyễn Hoài Trung – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trao hoa các đại biểu tham dự toạ đàm
Toàn thể đại biểu tham dự Toạ đàm
Huỳnh Phượng