Giải pháp chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại
24/09/2024
Lượt xem: 188
Hiện nay, cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói riêng, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang là vấn nạn chung xã hội. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày một phức tạp, tinh vi, diễn ra trực tiếp và cả trên môi trường online. Nhất là hiện nay khi nhu cầu mua sắm online trên các trang thương mại điện tử như ngày càng nhiều, trở thành kênh tiêu thụ chính hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách phức tạp và tinh vi hơn. Các đối tượng kinh doanh lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trà trộn kinh doanh hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng...Điều này đ
Thực hiện nhiệm vụ của ngành khoa học và công nghệ trong công tác quản lý nhà nước về chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 tỉnh) đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường (thường trực Ban chỉ đạo 389) thường xuyên triển khai công tác kiểm tra, xử lý ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý thị trường, từ năm 2021 đến nay, phát hiện và xử lý 446 vụ liên quan đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, xử phạt thu nộp ngân sách 4.792.62 triệu đồng, trị giá hàng hoá vi phạm ước tính 5.590.88 triệu đồng.
Trong thời gian tới, để ngăn chặn, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan đẩy mạnh triển khai một số giải pháp như:
Một là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ sở hữu trí tuệ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; tuyên truyền cho cộng đồng nâng cao nhận thức về phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tạo sự đồng thuận trong xã hội trong tố giác hành vi vi phạm...
Hai là, nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc xử lý hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, bên cạnh việc tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tại các địa bàn trọng điểm.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ để có biện pháp kỹ thuật nhằm truy tìm được dấu vết của hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội…
Thứ tư, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và với các cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; phối hợp nghiên cứu về việc tăng cường vai trò của tòa án trong giải quyết các vụ việc về sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải xác định quyền sở hữu đối với nhãn hiệu nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung, cần phải tự bảo vệ tài sản “trí tuệ của mình”, một trong những biện pháp đảm bảo nhất đó là đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ. Chủ động nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ vào việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như: sử dụng tem chống giả công nghệ cao; áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hoá, trong đó công nghệ QR Code được coi là giải pháp hiệu quả giúp nhà sản xuất bảo vệ thương hiệu, quản lý lưu thông hàng hoá; giúp người tiêu dùng nắm rõ hơn thông tin về sản phẩm hàng hoá trên thị trường./.
Huỳnh Phượng