Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các hội, hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký xác lập quyền và thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại hàng Việt theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, trước những thách thức đặt ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặc biệt chú trọng vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đó là một trong những đột phá chiến lược phát triển đất nước giai đoạn tới. Sở hữu trí tuệ (gọi tắt SHTT), chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo thực sự được coi là động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập sâu và toàn diện như hiện nay. Tạo dựng được một hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh và hoàn thiện đó là một nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn, đồng thời cũng là đòi hỏi bắt buộc trong quá trình hội nhập kinh tế.
Từ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng đó, những năm qua Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan thường trực UBND tỉnh quản lý nhà nước về SHTT giúp UBND tỉnh không ngừng nâng cao công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này trên tất cả các hoạt động; triển khai thực hiện quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (gọi tắt SHCN) trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả tích cực theo đúng nội dung Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh đề ra. Các văn bản quy phạm pháp luật về SHTT đã được ban hành tương đối hoàn thiện tạo môi trường pháp lý đầy đủ cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện tốt và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Cụ thể:
Về công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về SHTT.
Tổ chức hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long và chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm nhằm gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của Bình Thuận và đẩy mạnh phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo, chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bình Thuận đến năm 2030; Khai thác và quản lý các tài sản SHTT địa phương; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của SHTT đối với công chúng nói chung, cũng như tăng cường nhận thức về lĩnh vực SHTT cho phụ nữ nói riêng....với tổng số lượt tham dự gần 500 đại biểu (tham gia hội nghị tập huấn gồm: Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố, đoàn thể trong toàn tỉnh, các trường học, các tổ chức nghề nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các cá nhân sinh sống trên địa bàn tỉnh).
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp về kiến thức cũng như các quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp; giúp cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp có những nhận thức đúng về vai trò của SHTT trong hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, nhất là trong xu thế hội nhập sâu và toàn diện như hiện nay.
Về công tác hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp
Tham mưu UBND tỉnh: Hỗ trợ Hiệp hội Thanh long Bình Thuận kinh phí thực hiện đăng ký bảo hộ gia hạn nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT, hình” tại 8 quốc gia (gồm: Trung Quốc, Singapore, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hà Lan, Hàn Quốc) theo hiệp định Marid và duy trì bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Hỗ trợ cho Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết đăng ký gia hạn nhãn hiệu “Phan Thiết Nước Mắm – Fish Sauce, hình” tại Thái Lan, Campuchia và Hoa Kỳ” thông qua việc triển khai nhiệm vụ cấp cơ sở của UBND thành phố Phan Thiết; Cho phép đăng ký bảo hộ 11 nhãn hiệu tập thể cho UBND huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, Thị xã LaGi, Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết.
Thực hiện Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm cho 04 cơ sở sản xuất nước mắm; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho quả thanh long cho 05 tổ chức, cá nhân.
Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng và hỗ trợ khai thác chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận, nước mắm Phan Thiết đã đăng ký trong và ngoài nước; Thường xuyên hỗ trợ, tư vấn cho các tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền về sở hữu công nghiệp khi có nhu cầu. Trạm IPPlaform hỗ trợ tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ nhằm thực hiện các đề tài có liên quan và công nhận các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP; Tư vấn, hướng dẫn cho hơn 50 lượt tổ chức, cá nhân thủ tục đăng ký, tra cứu và đánh giá sơ bộ khả năng bảo hộ cũng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Hoạt động hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong thời gian qua được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, qua đó các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã quan tâm hơn trong việc bảo hộ, nâng cao uy tín, tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của mình. Những hoạt động trên đã mang lại những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm và nâng cao đời sống của người dân địa phương và giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và SHTT.
Tuy nhiên quá trình xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm địa phương còn nhiều gian nan. Việc quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm địa phương còn nhiều bất cập…vv. Phần lớn các doanh nghiệp tập trung cho sản xuất chưa xác định được thị trường xuất khẩu, quá trình sản xuất tại các doanh nghiệp hiện nay chưa đáp ứng được các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật khi đi ra thị trường quốc tế. Chính vì vậy, xuất khẩu trực tiếp đối với các doanh nghiệp tại Bình Thuận hiện nay rất ít, phần lớn xuất sang một thị trường trung gian nên các đối tác của các nước xuất khẩu không yêu cầu phải sử dụng tem chỉ dẫn địa lý (trên sản phẩm và bao bì đựng sản phẩm); nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vai trò và ý nghĩa chỉ dẫn địa lý chưa cao; Giá trị của sản phẩm mang và không mang chỉ dẫn địa lý như nhau. Hầu hết các doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích lâu dài của chỉ dẫn địa lý; vẫn còn một số đơn vị, địa phương, nhất là ở cơ sở chưa quan tâm đúng mức, chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng công tác tuyên truyền về phát triển tài sản trí tuệ; Công tác kiểm soát bên ngoài đối với các chỉ dẫn địa lý (thanh long và nước mắm) chưa được quan tâm đúng mức; Việc đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ để cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu sử dụng trên sản phẩm theo quy định mất khá nhiều thời gian, kéo dài hơn 02 năm kể từ ngày nộp đơn, làm mất đi cơ hội trở thành sản phẩm OCOP 4 sao của một số đơn vị, do quy định về “Giấy chứng nhận nhãn hiệu sử dụng trên sản phẩm của chủ thể” là tiêu chí bắt buộc để sản phẩm đạt hạng OCOP 4 sao./.
Huỳnh Phượng