Một số kết quả nỗi bật trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho quả thanh long trong năm 2024
Trong năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho quả thanh long ban hành kèm theo Quyết định số 76/2015/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
Về công tác phổ biến, tuyên truyền: Tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa với số lượng 70 đại biểu tham dự là đại diện các cơ quan quản lý cấp tỉnh, cấp huyện, chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Qua hội nghị, giúp nâng cao nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, tạo tiền đề để các doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy định đảm bảo minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận. Thực hiện xây dựng Video Clip quảng bá giới thiệu thanh long Bình Thuận, phát sóng trên các Đài Truyền hình nhằm giới thiệu hình ảnh sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu, lợi ích, công dụng của quả thanh long…đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Về công tác quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho quả thanh long: cấp mới 05 Giấy chứng nhận và cấp gia hạn 05 Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long cho 10 tổ chức, cá nhân (tính đến 30/11/2024 toàn tỉnh có 30 đơn vị được cấp CDĐL “Bình Thuận” đang còn hiệu lực, với diện tích thanh long 1.758.83 ha, sản lượng 50.000 tấn/năm với 454 hộ trồng thanh long); Tiến hành kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm quả thanh long mang chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” tại các tổ chức, cá nhân đã được cấp chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho quả thanh long: Số tổ chức/cá nhân được kiểm tra trực tiếp 14/23 theo kế hoạch, đạt tỉ lệ 60,9%. Số tổ chức/cá nhân không thực hiện được việc kiểm tra: 9/23 theo kế hoạch, chiếm tỉ lệ 39,1%; Thực hiện cấp/tái cấp chứng chỉ VietGAP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất thanh long trên địa bàn; Kiểm dịch nội địa và an toàn thực phẩm: kiểm tra chất lượng quả thanh long tại các cơ sở kinh doanh quả thanh long trên địa bàn; Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói quả thanh long; Nhãn hiệu chứng nhận thanh long “Bình Thuận” đã được đăng ký gia hạn bảo hộ tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ tại các nước: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan; được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật bản và đã được Liên minh Châu Âu (EU) đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại các nước thuộc khối EU.
Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai thực hiện tương đối đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực theo hướng khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với doanh nghiệp và phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng và có giá trị kinh tế cao của tỉnh. Cụ thể, thực hiện 02 nhiệm vụ khoa học công nghệ: (1) Đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” đã xây dựng 03 mô hình sản xuất thanh long hữu cơ được cấp giấy chứng nhận sản xuất thanh long hữu cơ theo tiêu chuẩn EU với diện tích 10 ha/mô hình. Trong đó, 01 mô hình được xây dựng từ vườn cây thanh long đã trồng 01 năm; 01 mô hình được xây dựng từ vườn cây thanh long đa trồng từ 04 năm đến 06 năm; 01 mô hình được xây dựng từ vườn cây thanh long đã trồng 07 năm; (2) Đề tài “Ứng dụng công nghệ nhiệt chuyển pha sản xuất đồ uống và thực phẩm chống lão hóa giàu calcium từ quả thanh long tại tỉnh Bình Thuận” bước đầu xây dựng mô hình sản xuất đồ uống chống lão hóa giàu calcium từ quả thanh long tại tỉnh Bình Thuận.
Về công tác hỗ trợ, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm thanh long mang chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận”: Tổ chức “Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024” tại Thành phố Hồ Chí Minh; Tổ chức Phiên chợ hàng Việt về hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc tại các huyện trong tỉnh Bình Thuận (gồm: Phú Quý, Tuy Phong, Bắc Bình) và các huyện tỉnh Ninh Thuận (gồm: Bác Ái, Ninh Sơn); Tổ chức Đoàn công tác tham gia Hội nghị kết nối cung cầu thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh thành; Tổ chức tham gia Chuỗi sự kiện Hội chợ Thương mại, Du lịch Quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn) và khảo sát cửa khẩu, chợ nông sản biên giới (tháng 12/2024); Chuỗi sự kiện Hội chợ thương mại quốc tế Cao Bằng (Việt Nam) – Bách Sắc (Trung Quốc); Tổ chức Đoàn giao thương tham gia Hội chợ rau quả Asia Fruit Logistica 2024 tại Hồng Kông; tổ chức Đoàn giao thương tham gia khảo sát Hội chợ quốc tế PLMA 2024 tổ chức tại Hoa Kỳ (từ ngày 11- 20/11/2024) để quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm thanh long Bình Thuận. Hỗ trợ Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, 05 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thanh long của tỉnh và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics đăng ký tham gia Đoàn xúc tiến thương mại, đầu tư thị trường Hoa Kỳ và khảo sát Hội chợ quốc tế Private Label Show 2024.
Hỗ trợ 09 doanh nghiệp, cơ sở có sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia phần mềm “Truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận” tại địa chỉ:
https://truyxuatsanphambinhthuan.vn; Giới thiệu hợp tác xã có sản phẩm chế biến từ thanh long đã tạo được mã QR để Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận làm phóng sự, tuyên truyền về hiệu quả sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ); Hỗ trợ 07 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia Sàn thương mại điện tử Bình Thuận tại địa chỉ: https://sanphamdiaphuong.com.vn.
Về kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT đối với sản phẩm thanh long mang chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận”: Thường xuyên theo dõi, kiểm soát phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định của pháp luật có liên quan.
Nhìn chung, trong năm công tác tuyên truyền được phổ biến sâu rộng đến các cơ quan, UBND các huyện, thị, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh tuân thủ Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho quả thanh long theo Quyết định số 76/2015/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh Bình Thuận; Các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương luôn được quan tâm, triển khai kịp thời đến Hiệp hội thanh long Bình Thuận và các doanh nghiệp. Thực hiện các Chương trình hợp tác, kết nối cung cầu với thành phố, các tỉnh đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm thanh long đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị trên toàn quốc, mở rộng hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử./.
Huỳnh Phượng