Việt Nam gia nhập Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp
Gia
nhập Thỏa ước La-hay sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng đăng ký và bảo
hộ KDCN ở gần 70 nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng đăng ký và
bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (KDCN) ở Việt Nam.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao Văn kiện gia nhập
Thỏa ước Lahay cho Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry. Nguồn: Internet.
Vào lúc 8h00 ngày 30/9/2019 theo giờ Thụy
Sĩ,tức ngày 01/10 theo giờ Việt Nam, tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới
(WIPO), thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
(KH&CN) Chu Ngọc Anh đã trao Văn kiện gia nhập Thỏa ước La-hay về đăng ký
quốc tế kiểu dáng công nghiệp (Văn kiện Geneva 1999) cho Tổng Giám đốc WIPO
Francis Gurry. Thỏa ước sẽ chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam sau 03 tháng
tính từ ngày nộp Văn kiện.
Với việc tham gia Văn kiện Geneva 1999, Việt
Nam sẽ chỉ có quyền và nghĩa vụ với Thỏa ước theo Văn kiện này và không chịu
ảnh hưởng từ các Văn kiện còn lại. Ngoài ra, Việt Nam có quyền tham gia thảo
luận và biểu quyết các vấn đề của Liên minh La-hay quy định chung cho các văn
kiện của Thỏa ước.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Hệ
thống La-hay được thiết lập nhằm tạo khả năng đăng ký bảo hộ KDCN tại nhiều
nước thông qua một đơn đăng ký duy nhất nộp qua Văn phòng quốc tế của WIPO bằng
một loại tiền thống nhất (đồng franc Thụy Sỹ), giúp cho người nộp đơn dễ dàng
thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký bảo hộ, gia hạn hiệu lực, chuyển
giao quyền sở hữu và các thủ tục khác liên quan đến đơn KDCN. Người nộp đơn
không cần phải nộp các đơn riêng lẻ tại từng nước mà mình muốn đăng ký bảo hộ,
qua đó không những tránh được các thủ tục phức tạp, mà còn tiết kiệm được thời
gian, công sức và chi phí.
Gần đây, Hệ thống La-hay đã ghi nhận những bước
phát triển rất đáng chú ý với sự tham gia các nền kinh tế phát triển như Hoa
Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Canada. Bản thân các nước ASEAN hiện nay cũng đã
cam kết cùng gia nhập Thỏa ước La-hay nhằm mục đích đơn giản hóa thủ tục xác
lập quyền đối với KDCN cho người nộp đơn tại khu vực, qua đó nâng cao năng lực
cạnh tranh của nền kinh tế ASEAN trên thế giới.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh
trao Văn kiện gia nhập Thỏa ước Lahay cho Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry. Nguồn: Internet.
Hiện nay, các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam muốn
bảo hộ KDCN của mình ở nước ngoài chỉ có một hình thức duy nhất là nộp đơn đăng
ký trực tiếp cho các Cơ quan Sở hữu trí tuệ (SHTT) của từng quốc gia riêng rẽ,
nghĩa là phải làm nhiều đơn khác nhau bằng ngôn ngữ và yêu cầu của các nước sở
tại, và phải chịu nhiều khoản chi phí, đặc biệt là phí thuê luật sư. Các doanh
nghiệp và cá nhân nước ngoài cũng gặp các khó khăn tương tự khi muốn bảo hộ
KDCN của mình tại Việt Nam.
Thực tế đó đòi hỏi Cơ quan quản lý SHTT Việt
Nam phải xây dựng các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp,
cá nhân nước ngoài đăng ký bảo hộ KDCN tại Việt Nam, cũng như doanh nghiệp, cá
nhân Việt Nam đăng ký bảo hộ KDCN tại nước ngoài, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt
động thương mại giữa Việt Nam và các nước. Một trong những chính sách như vậy
có thể kể đến là tham gia các điều ước quốc tế với nội dung đơn giản hoá và hài
hòa hóa thủ tục xác lập quyền SHTT.
Có thể thấy rằng, việc gia nhập Thỏa ước
La-hay mang một ý nghĩa thiết yếu. Trong bối cảnh SHTT đang ngày càng đóng một
vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thì việc đơn giản hóa và
hài hòa hóa thủ tục theo tiêu chuẩn quốc tế càng trở nên cần thiết để thúc đẩy
hoạt động đăng ký và bảo hộ quyền SHCN. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết đối với
Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta đang trong quá trình chủ động
hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
H.T