Theo dự thảo Quyết định, sẽ sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:
1. Nội dung về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin
Triển khai thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 11 Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước đã và đang triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL, đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Đồng thời, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, một cửa, một cửa liên thông…, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước đã và đang xây dựng, ứng dụng các phần mềm quản lý để giải quyết công việc theo quy định. Do đó, việc đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL, gắn kết với việc triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; tích hợp, đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống Chính quyền điện tử, Cổng dịch vụ công Quốc gia và tích hợp với các quy định, phần mềm quản lý một cửa, một cửa liên thông, quản lý tài chính, nhân lực, quản lý cơ sở hạ tầng, trang thiết bị..., lồng ghép HTQLCL với các hệ thống quản lý hiện có là hết sức cần thiết, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và tiết kiệm, tránh lãng phí.
Bên cạnh đó, Điều 4 Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg mới quy định việc xây dựng hệ thống tài liệu, văn bản, tài liệu và các quy trình xử lý công việc, chưa quy định việc xây dựng, ban hành trên môi trường điện tử nên dẫn tới các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước còn lúng túng khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, vẫn còn tình trạng tồn tại hai hệ thống, một hệ thống theo bản giấy, một hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, gây lãng phí về thời gian, chi phí thực hiện và chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả của việc xây dựng, áp dụng HTQLCL.
2. Nội dung về phạm vi áp dụng HTQLCL
Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg hiện nay mới chỉ tập trung vào các cơ quan hành chính công thuộc các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc cấp huyện. Báo cáo số 3222/BC-BKHCN ngày 10/11/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo đầy đủ về kết quả, hiệu quả đạt được của việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Do đó, theo Bộ Khoa học và Công nghệ cần xem xét đẩy mạnh và nhân rộng việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 tại các đơn vị sự nghiệp công lập có cung cấp dịch vụ công (giải quyết TTHC) liên quan đến người dân (ví dụ đối với ngành y tế: TTHC cấp Giấy chứng nhận sức khỏe tại khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu; Cấp Giấy chứng nhận sức khỏe học tập, công tác, lao động nước ngoài tại khoa nội B; Cấp Giấy chứng nhận thương tích chính thức; Cấp lại Giấy chứng sinh đối với trường hợp bị nhầm lẫn khi ghi chép Giấy chứng sinh; Cấp Giấy chứng nhận nghỉ hưởng Bảo hiểm xã hội. Đối với ngành giáo dục: TTHC cấp bản sao bằng tốt nghiệp; Chỉnh sửa nội dung ghi trên bằng tốt nghiệp; Bổ sung ảnh trên bằng tốt nghiệp; Xác minh văn bằng, chứng chỉ...), tại Ủy ban nhân dân cấp xã, trong hoạt động nội bộ, hoạt động khác của cơ quan, tổ chức để tiếp tục nâng cao hiệu quả của việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001, giúp các cơ quan, đơn vị chuẩn hóa các quy trình giải quyết hoạt động nội bộ, hoạt động khác và ngày càng phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, làm căn cứ để triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống Chính quyền điện tử, Cổng dịch vụ công Quốc gia.
3. Nội dung về triển khai áp dụng theo các tiêu chuẩn tiên tiến mới
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay, việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 đã trở thành một công cụ hữu hiệu, phổ biến cho toàn bộ các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Báo cáo số 3222/BC-BKHCN ngày 10/11/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo đầy đủ về kết quả, hiệu quả đạt được của việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Tuy nhiên, việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg mới chỉ áp dụng chủ yếu cho các hoạt động liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân và tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Trong khi đó, lĩnh vực hành chính công còn bao gồm cả việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công, đồng thời được triển khai tại các cơ quan, đơn vị liên quan khác ngoài các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống hành chính nhà nước như tại các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức, Hiệp hội…
Bên cạnh đó, để tiếp tục nâng cao hoạt động của các chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục, y tế, giao thông…, Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) và các tổ chức khác trên thế giới đã và đang nghiên cứu để ban hành các tiêu chuẩn hướng dẫn, ví dụ như tiêu chuẩn ISO 18091:2019 - Hệ thống quản lý chất lượng - Hướng dẫn áp dụng ISO 9001:2015 tại chính quyền địa phương áp dụng cho các cơ quan, đơn vị thuộc chính quyền địa phương; tiêu chuẩn ISO 21001:2018 - Hệ thống quản lý giáo dục áp dụng cho các cơ sở, tổ chức giáo dục; ISO 39001:2012 - Hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ áp dụng cho Chính phủ, các cơ quan quản lý đường bộ và các tổ chức, cá nhân liên quan; tiêu chuẩn đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện do Hội đồng của Úc về chuẩn chăm sóc sức khoẻ (Australian Council on Healthcare Standards-ACHS) thực hiện dựa trên bộ tiêu chuẩn EQuIP4…
Một trong các tiêu chuẩn đó có thể nghiên cứu để tổ chức triển khai áp dụng thí điểm tại nước ta là ISO 18091:2019 (TCVN ISO 18091:2020). Theo tiêu chuẩn này, một trong những thách thức lớn mà xã hội đang phải đối mặt hiện nay là nhu cầu xây dựng và duy trì lòng tin của công dân vào chính quyền và thể chế của chính quyền. Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 mang lại sự phát triển bền vững cho chính quyền địa phương thông qua 04 trụ cột (xây dựng thể chế; phát triển kinh tế bền vững; phát triển xã hội toàn diện; phát triển môi trường bền vững) với 39 chỉ số. Theo đó, tổ chức, công dân mong đợi chính quyền địa phương cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công chất lượng cao, ví dụ sự an toàn và an ninh, các đường phố, giao thông công cộng được duy trì trong tình trạng tốt, việc xử lý giấy tờ hiệu quả, sự minh bạch và khả năng tiếp cận các thông tin chung, sức khoẻ, giáo dục và cơ sở hạ tầng...; được chính quyền địa phương đại diện và bảo vệ hoặc nâng cao đời sống cho mình.
Đáp ứng thách thức này, chính quyền địa phương có nhiệm vụ tạo khả năng phát triển một cộng đồng địa phương bền vững và có trách nhiệm xã hội. Việc đạt được và duy trì một mức chất lượng cao trong hoạt động của chính quyền địa phương có thể mang lại sự phát triển kinh tế và phát triển xã hội bền vững ở cấp địa phương. Từ đó, góp phần xây dựng hệ thống chính sách công mạnh mẽ hơn, hiệu lực và tin cậy hơn ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Cải tiến kết quả thực hiện của chính quyền địa phương có thể kích thích hệ thống tổng thể của Chính phủ trong việc cung cấp các toàn bộ các kết quả tốt hơn. Áp dụng cách tiếp cận nhất quán xuyên suốt của chính quyền có thể giúp tạo ra chính quyền tin cậy và vững mạnh ở cấp địa phương, khu vực và quốc gia.
Do đó, để giúp các cơ quan, đơn vị áp dụng theo các tiêu chuẩn tiên tiến mới, giúp chính quyền địa phương hiểu và thực hiện hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu của TCVN ISO 9001:2015, đáp ứng nhu cầu và mong đợi của công dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan về một chính quyền địa phương cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công chất lượng cao như sự an toàn và an ninh, các đường phố, giao thông công cộng được duy trì trong tình trạng tốt, việc xử lý giấy tờ hiệu quả, sự minh bạch và khả năng tiếp cận các thông tin chung, sức khoẻ, giáo dục và cơ sở hạ tầng..., nhằm phát triển một cộng đồng địa phương bền vững và có trách nhiệm xã hội, duy trì lòng tin của công dân vào chính quyền và thể chế của chính quyền, việc nghiên cứu, triển khai áp dụng các tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực hành chính công là cần thiết.
4. Một số nội dung khác
Ngoài một số nội dung chính nêu trên, một số nội dung cũng cần được sửa đổi, bổ sung để tiếp tục triển khai có hiệu lực, hiệu quả hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL trong thời gian tới như nội dung về kinh phí, thi đua khen thưởng, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện.
Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các Sở, ban ngành, Sở Khoa học và Công nghệ đã có Văn bản số 357/SKHCN-CCTĐC ngày 27/3/2023 gửi Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận theo dõi./.
Lê Xin