Cải cách hành chính
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
KHÓA ĐÀO TẠO CHUYÊN SÂU VỀ KỸ THUẬT TRỒNG DƯA LƯỚI CÔNG NGHỆ CAO, THUỘC CHƯƠNG TRÌNH ỨNG DỤNG, CHUYỂN GIAO TIẾN BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2016-2020.
Lượt xem: 1047

I. Xây dựng kế hoạch Tham gia lớp đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật trồng dưa lưới công nghệ cao

1. Thời gian:

Từ 4/9/2020 – 11/9/2020

2. Địa điểm:

Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM.

3. Đối tượng tham gia:

           2 người (là viên chức của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận).

4. Nội dung:

Đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật trồng dưa lưới công nghệ cao.

II. Ký hợp đồng đào tạo:

Ngày 03/9/2020, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ KHCN Bình Thuận đã ký hợp đồng số 09/2020/HĐĐT với Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM và thanh lý hợp đồng vào ngày 11/09/2020 sau khi lớp đào tạo kết thúc.

III. Nội dung đào tạo:

Quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng

1. Chọn giống

Với điều kiện trồng trong nhà màng nên chú ý chọn các giống có khả năng chịu được nhiệt độ cao, có khả năng kháng được một số bệnh như phấn trắng, giả sương mai, virus. Hiện nay, người trồng lựa chọn các giống chủ yếu theo nhu cầu của thị trường và thường căn cứ vào một số tiêu chí như: màu sắc thịt quả, hình dạng quả, độ cứng thịt quả, độ ngọt.

2. Ươm cây

Xử lý hạt: Trước khi gieo, hạt giống nên được xử lý hoặc bằng phương pháp vật lý như phơi nắng hay ngâm hạt trong nước ấm 45-50oC trong khoảng 3 giờ (2 sôi + 3 lạnh), hoặc bằng các phương pháp hóa học như: Xử lý bằng dung dịch CuSO4 0,2% trong 30 phút; xử lý bằng các thuốc trừ bệnh như Rovral 50WP hoặc Aliette 80WP.

Giá thể ươm cây: Giá thể ươm cây có thể dùng các loại chuyên dùng để ươm cây hoặc là mụn dừa đã qua xử lý (loại bỏ muối, tanin) phối trộn với phân hữu cơ. Có thể sử dụng công thức giá thể dùng gieo hạt gồm 70% mụn xơ dừa đã xử lý : 20% phân hữu cơ : 10% tro trấu. Chú ý đảm bảo độ ẩm giá thể khi gieo hạt khoảng 60%.

Khay ươm: Có nhiều loại khay ươm khác nhau, nhưng thường sử dụng khay ươm làm bằng vật liệu xốp, có kích thước dài 50 cm, rộng 35 cm, cao 5 cm (có 50 lỗ/khay) để gieo hạt, mỗi lỗ gieo 1 hạt.

Chăm sóc: Hàng ngày tùy vào điều kiện thời tiết, cần tưới nước đủ ẩm để giúp hạt nảy mầm đồng đều và cây con phát triển tốt. Chú ý theo dõi cây hàng ngày, sau thời gian gieo khoảng 7 ngày, khi cây có lá thật thứ nhất tiến hành phun phân bón lá Growmore 30-10-10, hàm lượng là 1g/lít nước hoặc sử dụng dung dịch thủy canh dùng để trồng dưa nhưng tưới với nồng độ bằng 1/3 so với cây lớn. Trong giai đoạn vườn ươm cần chú ý phòng trừ sâu bệnh cho cây, đặc biệt là bọ trĩ và bọ phấn trắng, là những môi giới quan trọng truyền bệnh virus dưa lưới. Tốt nhất cây con nên trồng trong nhà màng có lưới ngăn côn trùng hoặc sử dụng loại vải không dệt chuyên dùng phủ lên các khay ươm để ngăn bọ trĩ, bọ phấn trắng.

Tiêu chuẩn cây con: Cây khỏe mạnh, không dị hình, không bị dập nát, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh. Cây đạt chiều cao khoảng từ 10 đến 12 cm, đường kính thân khoảng từ 0,3 đến 0,5 cm, có 2 đến 3 lá thật, tương ứng với thời gian khoảng từ 10 đến 12 ngày sau gieo.

3. Chuẩn bị giá thể trồng

Giá thể dùng trồng dưa lưới cần có khả năng giữ ẩm nhưng đồng thời phải đảm bảo độ thoáng khí tốt. Loại giá thể trồng dưa lưới phổ biến hiện nay là mụn dừa. Tuy nhiên, trước khi trồng mụn dừa cần được xử lý một số chất chát, muối. Giá thể đạt tiêu chuẩn trồng cây khi có độ dẫn điện của dung dịch (EC) nhỏ hơn 50 uS/cm. Tùy điều kiện, có thể phối trộn thêm vỏ trấu nung và phân trùn quế hoặc các loại phân hữu cơ hoặc chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma.

Giá thể sau khi xử lý và phối trộn được cho vào các bầu nilon trồng cây, kích thước khoảng 30 x 40 cm. Chú ý không nén giá thể quá chặt.

4. Trồng và chăm sóc

a. Mật độ, khoảng cách trồng

Có thể trồng theo hàng đơn hoặc hoặc đôi, khoảng cách giữa 2 cây 0,3 - 0,4 m, khoảng cách giữa 2 hàng đơn là 1,2 m; khoảng cách giữa 2 hàng đôi là 1,6 m (khoảng cách trong hàng đôi là 0,4m). Khoảng cách trồng có thể tăng, giảm tùy theo mùa vụ, giống và chế độ chăm sóc. Tuy nhiên, cần chú ý khoảng cách giữa các hàng tối thiểu phải đạt 1,2 m để thuận tiện chăm sóc khi cây lớn. Thông thường, mật độ trồng trong mùa khô 2.500 - 2.700 cây/1.000 m2, trong mùa mưa 2.200 - 2.500 cây/1.000 m2.

b. Tưới nước và bón phân

Dung dịch dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Lượng nước tưới mỗi ngày tùy thuộc vào giai đoạn sinh trưởng của cây, điều kiện nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng. Thông thường, việc tưới nước cho cây tuân theo nguyên tắc: lượng nước dư ra đạt từ 10 - 15%/bầu/ngày. Thiết lập số lần tưới trong ngày cần căn cứ vào giai đoạn sinh trưởng của cây, nhiệt độ, ẩm độ không khí và cường độ ánh sáng. Số lần tưới thay đổi từ 6 - 15 lần/ngày. Có thể tưới theo các giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: từ trồng đến đậu quả:

- Công thức dinh dưỡng: N:P:K:Ca:Mg = 170:50:240:165:50 (ppm)

- Lượng dung dịch dinh dưỡng: thay đổi tăng dần theo thời gian sinh trưởng của cây từ 500 đến 800 mL/cây/ngày.

- Thời gian áp dụng: từ lúc trồng đến khoảng 28 NST.

Giai đoạn 2: từ đậu quả đến quả tạo lưới hoàn toàn:

- Công thức dinh dưỡng: N:P:K:Ca:Mg = 200:50:300:195:50 (ppm)

- Lượng dung dịch dinh dưỡng: thay đổi tăng dần theo thời gian sinh trưởng của cây từ 800 đến 1.800 mL/cây/ngày.

- Thời gian áp dụng: từ khoảng 28 NST đến khoảng 52 NST.

Giai đoạn 3: từ quả tạo lưới hoàn toàn đến quả chín:

- Công thức dinh dưỡng: N:P:K:Ca:Mg = 180:50:320:175:50 (ppm)

- Lượng dung dịch dinh dưỡng: thay đổi giảm dần theo thời gian sinh trưởng của cây từ 1000 đến 800 mL/cây/ngày.

- Thời gian áp dụng: từ khoảng 53 NST đến khoảng 63 NST.

Trước khi thu hoạch 3 - 5 ngày ngừng tưới dinh dưỡng và giảm lượng nước tưới.

Các nguyên tố vi lượng chung cho tất cả các giai đoạn sinh trưởng như sau: Fe 2,5 ppm; Mn 0,8 ppm; Cu 0,2 ppm; Zn 0,3 ppm; B 0,35 ppm; Mo 0,06 ppm.

c. pH

pH thích hợp cho cây dưa lưới trồng trên giá thể nằm trong khoảng từ 5.5 đến 6.0. pH quá thấp hay quá cao đều làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu một số chất dinh dưỡng của cây.

d. Thụ phấn

Hoa dưa lưới mọc ở nách lá, là hoa đơn tính hoặc lưỡng tính, cuống dài 0,5 đến 3 cm, lá đài dài 6 đến 8 mm. Tràng hoa hình chuông, hoa màu vàng. Hoa đực mọc thành chùm 2 đến 4 hoa với 3 nhị. Hoa cái hoặc hoa lưỡng tính mọc đơn, bầu nhụy hình elip, đầu nhụy có 3 thùy. Tuy nhiên, hầu hết các giống dưa lê trồng hiện nay ở Tp. HCM có hoa đơn tính đồng chu. Trong tự nhiên hoa dưa lê thụ phấn nhờ côn trùng. Trong điều kiện nhà màng nếu trồng ở diện tích nhỏ có thể thụ phấn bằng tay. Đối với những diện tích lớn, thả ong là một biện pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, do điều kiện nhiệt độ cao trong nhà màng nên cần chọn loài ong có khả năng chịu nóng tốt ví dụ ong bầu, với ong mật nên che mát tổ (bằng xốp cách nhiệt, lưới cắt nắng) và có hệ thống làm mát khi nhiệt độ quá cao. Đối với ong mật, sử dụng từ 1 đến 2 tổ (mỗi tổ 4 cầu) cho diện tích nhà trồng 1.000 m2. Ong nên đưa vào nhà màng trước khi có hoa cái khoảng 3 - 5 ngày để ong quen với điều kiện nhiệt độ ẩm độ trong nhà màng. Trong giai đoạn này cần bổ sung nước đường làm thức ăn cho ong. Khi có hoa cái xuất hiện, có thể bỏ nước đường.

e. Quấn ngọn, tỉa cành

Khi cây lớn, đạt chiều cao khoảng 20 - 30 cm thì bắt đầu quấn dây cho cây leo. Sau đó cứ hai ngày tiến hành quấn 1 lần. Khi cây bắt đầu xuất hiện các cành nách thì tiến hành tỉa cành. Các cành nách dưới vị trí lá thứ 8 phải được tỉa bỏ hết, nên tỉa bỏ càng sớm càng tốt, không nên để cành quá dài mới tiến hành tỉa. Cành từ vị trí thứ 8 trở lên có thể để mang quả. Quả cho năng suất và chất lượng tốt nhất ở vị trí đốt lá thứ nhất của cành nách. Sau khi đậu quả tiến hành bấm đầu cành ở vị trí sau đốt lá thứ hai. Nên để thêm 1 quả ở vị trí cành tiếp theo để phòng trường hợp quả ở vị trí trước đó bị hỏng, dị hình. Vị trí để quả từ lá thứ 8 đến lá thứ 15. Sau khi quả đậu hoàn toàn (kích thước tương đương quả trứng vịt) tiến hành tỉa bỏ các cành nách còn lại trên cây. Bấm ngọn khi cây được 25 - 28 lá hoặc chiều cao đạt khoảng 2,5 m.

Khi cây cao khoảng 1,5 m cần tiến hành tỉa bỏ bớt lá gốc để tạo độ thông thoáng trong vườn, hạn chế sự phát sinh của bệnh hai. Tùy điện kiện nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng và tình hình bệnh hại có thể tỉa bỏ toàn bộ lá nằm dưới vị trí cành mang quả để tạo thông thoáng, hạn chế bệnh phát sinh và giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

f. Dịch hại chính

Trong điều kiện canh tác trong nhà màng, cần chú ý phòng trừ một số đối tượng gây hại chính sau:

Bệnh hại: bệnh phấn trắng do nấm Podosphaera xanthii và bệnh giả sương mai do nấm Pseudoperonospora cubensis là hai loại bệnh phổ biến nhất.

Sâu hại: bọ phấn trắng (Bemisia tabaci), bọ trĩ (Thrips palmi) là hai loại chích hút gây hại chính trên dưa lưới trong nhà màng. Ngoài gây hại trực tiếp làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây, bọ phấn trắng và bọ trĩ còn là vec tơ truyền bệnh virus cho cây dưa lưới. Vì vậy, cần chú ý phòng trừ hai đối tượng này ngay từ giai đoạn vườn ươm và giai đoạn từ khi trồng đến khoảng 30 ngày tuổi.

Nhện hại: chủ yếu là nhện đỏ.

Đối với các loại chích hút: bọ phấn trắng, bọ trĩ, nhện đỏ: Sử dụng các thuốc có nguồn gốc sinh học như Abamectin, Emamectin, hoặc các thuốc hóa học gốc imidacloprid (Confidor, Admire…), Dinotefuran (Oshin); thuốc trừ nhện gốc Propargite (comite, saromite…).

Đối với bệnh hại: có thể sử dụng các thuốc Aliette, Daconil, Antracol, Physan.

5. Thu hoạch

Trong điều kiện nhiệt độ cao, thời gian thu hoạch trung bình khoảng 65 - 70 ngày sau trồng. Quả chín khá tập trung, thường chỉ tiến hành thu 1 - 2 lần. Thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào sáng sớm hoặc chiều mát.

6. Vệ sinh nhà màng sau thu hoạch

Dọn sạch tàn dư thực vật, dùng vòi phun áp lực cao để rửa nền nhà. Vệ sinh lưới và mái lợp. Để trống nhà lưới khoảng 7 ngày trước khi cho vệ sinh tổng thể. Vệ sinh bạt phủ (gỡ bạt phủ ra phơi đất hoặc cho nước vào để xử lý nhộng bọ trĩ trong đất). Hệ thống tưới nhỏ giọt được vệ sinh bằng acid loãng, nước sạch 2 - 3 lần để loại bỏ các kết tủa.

Các loại hóa chất và hoạt chất sử dụng để vệ sinh bên trong nhà màng được thể hiện ở bảng sau:

Hóa chất

Hoạt chất

Sử dụng

Tỷ lệ

Virkon

Potassium peroxymonosulfate

(KHSO5)

Rửa/ khử trùng máng thoát, nền …

1%

Peroxide

Hydrogen peroxide

(H2O2)

Rửa/ khử trùng

1-2%, làm ướt ít nhất 15 phút

Nitric acid

Nitric acid (HNO3)

Vệ sinh hệ thống tưới

Pha loãng, pH=2 và xử lý trong 12 giờ

IV. Một số hình ảnh trong quá trình tham gia lớp đào tạo:

Hình 1: Hai học viên chụp hình lưu niệm với Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp CNC

Hình 2: Học viên tham dự lớp đào tạo lý thuyết

Hình 3-4: Học viên được hướng dẫn các kinh nghiệm trong sản xuất dưa lưới

trong nhà màng

 

Hình 5-6: Mô hình trình diễn giống mới Dưa lưới CNC 01 tại khu sản xuất

của Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp CNC


ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang