Cải cách hành chính
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Một số quy định về đảm bảo an toàn bức xạ sử dụng thiết bị X-Quang chẩn đoán trong Y tế
Lượt xem: 5152
Việc tiến hành chụp X-quang đã trở nên quen thuộc đối với người dân khi khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, việc chụp X-quang không hoàn toàn vô hại. Tia X-quang là bức xạ Ion hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe con người khi bị chiếu quá liều. Để đảm bảo an toàn, người dân cần lựa chọn chụp X-quang tại các cơ sở y tế đã được Sở Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo quy định tại Nghị định 142/2020/NĐ-CP quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Một số quy định về đảm bảo an toàn bức xạ khi sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế như sau:

Cơ sở y tế phải thực hiện việc kiểm định đối với các thiết bị bức xạ được sử dụng tại cơ sở mình trước khi đưa vào sử dụng lần đầu tiên; Định kỳ một năm một lần đối với thiết bị xạ trị, thiết bị chụp cắt lớp vi tính CT scanner, thiết bị X-quang tăng sáng truyền hình và định kỳ hai năm một lần đối với các thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế khác kể từ ngày đưa vào sử dụng; Sau khi lắp đặt lại hoặc sửa chữa thiết bị. Việc kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị bức xạ và thiết bị đo bức xạ phải được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp đăng ký hoạt động dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn.

Đối với Phòng đặt thiết bị bức xạ, Phòng đặt thiết bị bức xạ phải bảo đảm kích thước, thiết kế, che chắn bức xạ đảm bảo theo quy định, phía trên cửa ra vào phòng chụp X-quang phải lắp đặt biển cảnh báo tia X, đèn báo hiệu thời gian thiết bị đang hoạt động, gắn nội quy an toàn tại cửa ra vào phòng chụp. Cơ sở y tế phải tiến hành đo kiểm tra an toàn bức xạ xung quanh phòng chụp X-quang khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và đo kiểm tra định kỳ hằng năm, giá trị suất liều không được vượt quá 10 µSv/giờ trong phòng điều khiển, không vượt quá 0,5 µSv/giờ tại mọi vị trí bên ngoài phòng đặt thiết bị X -quang nơi công chúng đi lại, người bệnh ngồi chờ và các phòng làm việc lân cận. Trường hợp phòng đặt thiết bị X -quang chẩn đoán trong y tế nằm trong khu dân cư, liền kề nhà ở hoặc nơi làm việc phải bảo đảm suất liều bức xạ ở tất cả các điểm đo bên ngoài phòng đặt thiết bị bằng phông bức xạ tự nhiên. Tại phòng chụp X-quang phải được trang bị tạp dề cao su chì để che chắn cho nhân viên bức xạ, bệnh nhân, và người trợ giúp bệnh nhân khi chụp X-quang.

Nhân viên bức xạ làm việc tại phòng X-quang phải có chuyên môn phù hợp với công việc được đảm nhiệm và phải được đào tạo về an toàn bức xạ theo chương trình đào tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tại Thông tư số 34/2014/TT-BKHCN ngày 27/11/2014, định kỳ ít nhất 03 năm một lần tổ chức đào tạo nhắc lại và bổ sung kiến thức chuyên sâu, thông tin mới về an toàn bức xạ cho các nhân viên bức xạ y tế. Cơ sở y tế phải trang bị liều kế cá nhân cho các nhân viên bức xạ y tế và thực hiện đo đánh giá liều chiếu xạ cá nhân cho nhân viên bức xạ y tế ít nhất 03 tháng một lần. Định kỳ hằng năm, phải tổ chức khám sức khỏe cho các nhân viên bức xạ y tế theo quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BYT ngày 06/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động, tổ chức khám bệnh nghề nghiệp, bố trí để nhân viên bức xạ y tế không bảo đảm yêu cầu về sức khỏe theo quy định chuyển làm công việc khác không tiếp xúc với bức xạ. Các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang y tế phải lập Kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở và định kỳ tổ chức triển khai diễn tập kế hoạch ứng phó sự cố một năm một lần theo các tình huống giả định.

Trên đây là một số Quy định về đảm bảo an toàn bức xạ trong sử dụng thiết bị X-quang y tế. Việc thực hiện đúng các quy định góp phần bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cho nhân viên và người dân trong khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế./.

Việt Hùng

Tin khác
1 2 3 

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang