Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thi hành Luật Năng lượng nguyên tử số 18/2008/QH12
Nhằm chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận (KH&CN) báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Năng lượng nguyên tử từ này có hiệu lực thi hành từ 01/01/2009 đến 30/8/2023 (viết tắt là trong giai đoạn này) với các nội dung sau.
1. Tình hình phổ biến, triển khai thi hành Luật Năng lượng nguyên tử và các văn bản hướng dẫn thi hành
Trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2023, công tác phổ biến, triển khai thi hành Luật năng lượng nguyên tử và các văn bản hướng dẫn thi hành rất được Sở KH&CN Bình Thuận quan tâm phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp trong tỉnh, cụ thể: Phối hợp với chuyên gia của Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Trung tâm hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức: 15 Hội nghị tập huấn; 05 hội nghị diễn tập kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; Phối hợp với Viện nghiên cứu hạt nhân, Trung tâm Hạt nhân Tp. Hồ Chí Minh tổ chức 20 lớp đào tạo nhân viên bức xạ, với khoảng 45 học viên/lớp.
2. Tình hình xây dựng, ban hành và việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật NLNT
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử nói chung và an toàn bức xạ nói riêng của Trung ương và địa phương đã có về cơ bản, đã tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước tại địa phương. Đặc biệt đối với sa khoáng titan, Sở KH&CN Bình Thuận đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý an toàn bức xạ trong hoạt động khai thác, chế biến sa khoáng titan-zircon trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2012/QĐ-UBND ngày 18/6/2012 của UBND tỉnh Bình Thuận)
- Từ sau khi Luật NLNT có hiệu lực, Sở KH&CN Bình Thuận đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ và an ninh các nguồn phóng xạ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 06/3/2012) nhằm tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử theo thẩm quyền được giao.
- Sau khi Nghị định số 142/2020/NĐ-CP ngày 09/12/2020 có hiệu lực, Sở KH&CN Bình Thuận đã tham mưu và được UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc phân cấp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực An toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND ngày 11/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận).
3. Công tác cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho các cơ sở X-quang chẩn đoán y tế tại địa bàn tỉnh
- Từ năm 2009 đến 2023, tỉnh Bình Thuận có khoảng 45 cơ sở tiến hành công việc bức xạ trong X-quang chẩn đoán y tế đã được cấp phép, tuy nhiên hiện nay chỉ còn 39 cơ sở y tế sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán và điều trị bệnh đang còn hoạt động với tổng cộng 85 thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế đang được sử dụng, bao gồm: Thiết bị X-quang chụp răng: 05; Thiết bị X-quang chụp vú: 02; Thiết bị X-quang di động: 12; Thiết bị X-quang đo mật độ xương: 01; Thiết bị chiếu, chụp X-quang tổng hợp: 51; Thiết bị X-quang tăng sáng truyền hình: 04; Thiết bị chụp cắt lớp vi tính: 09; Máy tán sỏi ngoài cơ thể: 01.
- Tình hình cấp phép: Cấp mới 143 Giấy phép tiến hành công việc bức xạ (sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế); Gia hạn 75 Giấy phép tiến hành công việc bức xạ (sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế); Cấp 92 Chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn; Phê duyệt 50 Kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở; Cấp 18 Giấy xác nhận khai báo thiết bị X-quang.
4. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về NLNT
Để nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật của các đơn vị có hoạt động bức xạ, nguồn phóng xạ, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, chấn chỉnh các biểu hiện mất an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ, Công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân luôn được quan tâm chú trọng thực hiện, cụ thể:
- Tổ chức 03 đợt thanh, kiểm tra đối với các cơ sở khai thác, chế biến sa khoáng titan – zircon.
- Tổ chức 03 cuộc kiểm tra bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ đối với việc sử dụng và lưu giữ nguồn phóng xạ của các đơn vị trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- Tổ chức định kỳ hàng năm về công tác kiểm tra, thanh tra tại cơ sở X quang chẩn đoán trong Y tế.
5. Công tác chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân
- Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận đã ký hợp đồng với Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân của tỉnh Bình Thuận”.
- Năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tại Quyết định số 389/QĐ-BKHCN ngày 08/3/2017. Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân được xây dựng nhằm chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó và triển khai ứng phó nhằm giảm thiểu đến mức tối đa hậu quả và tác hại đối với con người, tài sản và môi trường; xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó và đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khi có sự cố bức xạ, hạt nhân xảy ra.
- Nhằm giúp triển khai và thực hiện tốt việc ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp tỉnh, Sở trình UBND tỉnh thành lập Ban chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh và tham mưu Trưởng Ban chỉ huy thành lập Tổ chuyên viên giúp việc cho Ban chỉ huy. Công tác kiện toàn nhân sự vẫn được Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh thực hiện hàng năm.
- Công tác xử lý, giải quyết các sự cố mất an toàn, an ninh do các cơ sở tiến hành công việc bức xạ gây ra: Trong giai đoạn từ năm 2009-2023, trên địa bàn tỉnh không xảy ra sự cố bức xạ nào.
- Công tác xây dựng và triển khai Kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh:
Để triển khai hiệu quả Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân tỉnh Bình Thuận được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt (Quyết định số 389/QĐ-BKHCN ngày 08/3/2017) và UBND tỉnh ban hành (Quyết định số 4928/QĐ-UBND ngày 30/12/2016), Sở KH&CN đã phối hợp với Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Trung tâm hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 05 hội nghị diễn tập kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân với các kịch bản: Kịch bản ứng phó sự cố đối với tình huống xe chở nguồn phóng xạ Ir-192 có hoạt độ 50 Ci bị tai nạn gây ra cháy; Kịch bản ứng phó sự cố đối với tình huống nguồn phóng xạ từ thiết bị NDT rơi và thất lạc; Kịch bản ứng phó sự cố đối với tình huống phát hiện nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát; Kịch bản ứng phó sự cố đối với tình huống Nguồn phóng xạ bị phát tán (rơi vãi, rây bẩn ra môi trường) do tai nạn trong khi vận chuyển qua địa bàn tỉnh Bình Thuận; Kịch bản ứng phó sự cố đối với tình huống mất nguồn phóng xạ tại cơ sở.
Thông qua buổi diễn tập, Ban chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh rút kinh nghiệm và thiết lập được khả năng chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả khi sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân xảy ra trên địa bàn tỉnh, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị về công tác đảm bảo an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ, đồng thời, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở bức xạ tỉnh trong ứng phó sự cố về bức xạ trên địa bàn tỉnh.
6. Công tác phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) trong quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân; ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân
- Phối hợp với Viện Công nghệ xạ hiếm - Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam thực hiện Đề tài “Khảo sát, đánh giá và đề xuất biện pháp quản lý môi trường phóng xạ ven biển tỉnh Bình Thuận”.
- Phối hợp với Viện Địa lý tài nguyên Tp.HCM, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt nam Khảo sát hiện trạng môi trường do quá trình khai thác Titan tại khu vực Thiện Ái, Huyện Bắc Bình.
- Tham gia cùng Đoàn của Cục ATBX để đánh giá ATBX trong khai thác, chế biến quặng phóng xạ tại Công ty TNHH thương mại Đức Cảnh (ngày 19/11/2020) và Công ty cổ phần khoáng sản Sông Bình (ngày 20/11/2020).
7. Các vấn đề liên quan khác
- Đối với Dự án Trạm Quan trắc và Cảnh báo phóng xạ môi trường của Bình Thuận đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 3009/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2015. Mục tiêu của Dự án: Kịp thời phát hiện các diễn biến bất thường về bức xạ trong phạm vi địa phương và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ thiết bị kỹ thuật cho mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường Quốc gia từ nguồn vốn ODA Nhật Bản.
Tuy nhiên, đến ngày 12/4/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định thu hồi số 683/QĐ-UBND về việc thu hồi quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Trạm quan trắc và Cảnh báo phóng xạ môi trường Bình Thuận, với lý do: Mục tiêu của dự án Trạm quan trắc và Cảnh báo phóng xạ môi trường Bình Thuận không còn phù hợp nên không tiếp tục đầu tư dự án.
- Nhằm phục vụ công tác giám sát phóng xạ môi trường, Phòng Quản lý Chuyên ngành đã tổ chức lấy các mẫu nước để phân tích tổng hoạt động alpha (α), Beta (β), kết quả cụ thể: Năm 2016: Tiến hành lấy 14 mẫu nước ở các vùng lân cận của các đơn vị khai thác, chế biến sa khoáng: Công ty TNHH Phú Hiệp và Công ty TNHH Đioxit titan (Báo cáo số 616 /SKHCN-QLCN ngày 30/6/2016). Kết quả: phân tích tổng hoạt độ alpha (α), Beta (β) đều nằm trong giới hạn cho phép so với quy định tại QCVN 08:2008/BTNMT Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt và QCVN 09:2008/BTNMT Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ngầm; Năm 2017: Tiến hành lấy 04 mẫu nước trong nguồn nước của Công ty liên doanh khoáng sản Quốc tế Hải Tinh và Công ty TNHH chế biến khoáng sản Thân Gia (Công ty TNHH thương mại Tân Quang Cường cũ). Kết quả phân tích tổng hoạt độ Alpha (α), Beta (β) đều nằm trong giới hạn cho phép so với quy định tại QCVN 08:2008/BTNMT Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt và QCVN 09:2008/BTNMT Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ngầm (Báo cáo số 629/SKHCN-QLCN ngày 20/6/2017). Năm 2018: Phân tích tổng hoạt độ alpha (α), beta (β) nguồn nước tại tại khu vực hoạt động và vùng lân cận của các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản: Công ty TNHH Phú Hiệp (Long Sơn – Suối Nước, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) và Công ty TNHH đầu tư Sài Gòn (Long Sơn – Suối Nước, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) để phục vụ giám sát an toàn bức xạ trong khai thác, chế biến sa khoáng titan-zircon.
- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 10/07/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 4050/CT-BKHCN ngày 04/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Việt Hùng