Cải cách hành chính
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Đóng góp của đổi mới công nghệ vào tăng trưởng kinh tế - xã hội giai đoạn 2005-2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới
Lượt xem: 2569

Công nghệ luôn được xem là trung tâm của phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy đổi mới công nghệ thông qua việc tiếp cận và sử dụng công nghệ mới đã trở thành một thành phần quan trọng của các chiến lược phát triển trên toàn thế giới. Có rất nhiều các nghiên cứu chuyên sâu về quá trình thay đổi công nghệ, ví dụ như cách thức sáng tạo công nghệ, lan toả công nghệ, thích ứng và đổi mới công nghệ để tạo ra hiệu quả tới nền kinh tế. Nhiều nghiên cứu cũng chứng minh tác động của đổi mới và sáng tạo công nghệ trong tăng trưởng năng suất của nền kinh tế. Đặc biệt, năng suất có thể được đẩy mạnh hơn nữa thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới để phát huy tối đa tiềm năng và nguồn lực hiện có cũng như góp phần cắt giảm chi phí để đáp ứng những nhu cầu và thị trường mới. 

Theo tài liệu công bố Đổi mới công nghệ Việt nam- Đóng góp của công nghệ vào tăng trưởng kinh tế do Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Công nghiệp của Khối Thịnh vượng chung phối hợp với Bộ KHCN thực hiện năm 2021 thì  đổi mới công nghệ bao gồm các hoạt động đầu tư cho nghiên cứu chuyển giao (R&D), đầu tư tài sản vô hình (giấy phép mua, bằng sáng chế, v.v.), đào tạo / phát triển nguồn nhân lực;  Nỗ lực khác như tổ chức quản lý, tiếp thị, thay đổi cấu trúc  và đầu tư vốn vật chất.

Theo thống kê của Bộ KHCN, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng tăng từ 33,6% giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020, tính chung 10 năm 2011 - 2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu – GII tăng 17 bậc trong giai đoạn 2016 - 2020, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, đứng đầu trong số các quốc gia ở mức thu nhập trung bình thấp.

Tại Bình Thuận, giai đoạn 2005-2020, số lượng doanh nghiệp đổi mới công nghệ là 30 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 6%. Tổng kinh phí NSNN hỗ trợ cho các DN đổi mới công nghệ là 13,6 tỷ đồng/ 1.087 tỷ đồng tổng giá trị đổi mới công nghệ, chiếm tỷ lệ 1,25%.

Tỷ lệ đóng góp của KH&CN của tỉnh trong tăng trưởng kinh tế đo bằng chỉ số TFP bình quân: giai đoạn 2011 – 2015 là 29,6%, thấp hơn bình quân chung của cả nước (33,6%); giai đoạn 2016 – 2020 là 32,48% thấp hơn bình quân chung của cả nước (45,2%).

Đáng chú ý, dù giá trị đóng góp còn hạn chế nhưng các doanh nghiệp của Bình Thuận đã chú trọng đáng kể cho việc đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Theo báo cáo điều tra của Sở Khoa học và Công nghệ năm 2019, toàn tỉnh có 13,5% doanh nghiệp của tỉnh đã thành lập bộ phận khoa học và công nghệ, hoạt động với phương thức là nghiên cứu thị trường, nghiên cứu phát triển sản phẩm, định hướng chiến lược hoạt động nhằm phục vụ cho phát triển doanh nghiệp. Tính đến 2019 đã  có 862 hoạt động nghiên cứu chế tạo, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, trung bình mỗi doanh nghiệp có 3,8 hoạt động. Hoạt động nghiên cứu sáng tạo đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, được thương mại hóa và mang lại giá trị cho doanh nghiệp.

Về hoạt động chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tiếp nhận 856 công nghệ (bình quân 3,7 công nghệ/doanh nghiệp). Các doanh nghiệp của tỉnh có xu hướng nhận chuyển giao công nghệ trong nước nhiều hơn công nghệ từ nước ngoài vì có giá thành thấp hơn, phù hợp với năng lực của doanh nghiệp Bình Thuận vốn đa phần là doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Song song với hoạt động tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp cũng bắt đầu quan tâm đến việc thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục đích thực hiện các hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu, đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ của doanh nghiệp…. Theo thống kê năm 2018, có 0,4% doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và Công nghệ, 5,7% doanh nghiệp có tạo nguồn vốn cho hoạt động phát triển khoa học và Công nghệ để thực hiện các hoạt động: Nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, đổi mới, chuyển giao công nghệ, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, áp dụng hệ thống quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng. Đây là các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, có định hướng phát triển ổn định. Như vậy, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới công nghệ dựa vào nguồn vốn phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2018 là 6,1%. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp là 787 tỷ đồng. Trung bình mỗi doanh nghiệp đầu tư khoảng 3,4 tỷ đồng.

Đối với hoạt động đầu tư tài sản vô hình cho doanh nghiệp, giai đoạn 2005-2020 tỉnh Bình Thuận có 1.593 đơn đăng ký nhãn hiệu, 132 đơn đăng ký kiển dáng công nghiệp, 48 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích; 02 đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

Nhằm hỗ trợ cho hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, thời gian qua, Sở khoa học công nghệ đã tham mưu nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ qua đó đã có nhiều tác động tích cực đến doanh nghiệp cụ thể như  Quy định điều kiện hỗ trợ đổi mới công nghệ đối với ngành chiếu xạ và xử lý nhiệt cho trái cây, và ngành chế biến sản phẩm từ quả thanh long; các  quyết định điều chỉnh, bổ sung Quy định chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh Bình Thuận  giai đoạn 2016-2020 và hoạt động hỗ trợ đổi mới công nghệ, kỹ thuật  thông qua Chương trình khuyến công của Sở Công thương.

Một số doanh nghiệp điển hình có đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị:

+ Công ty TNHH Hải Nam là doanh nghiệp điển hình có đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị, có nhiều sáng kiến, giải pháp sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

+ Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận luôn chú trọng nâng cao chất lượng chế biến mủ thành phẩm và xây dựng thương hiệu. Đồng thời, cải tiến dây chuyền chế biến nhằm sản xuất mủ đạt chất lượng và phù hợp nhu cầu khách hàng.

+ Nhờ đổi mới công nghệ trong sản xuất tôm giống, Công ty Việt – Úc đã thành lập trang trại tôm giống với khả năng sản xuất 15 tỷ cá thể tôm giống hậu ấu trung (PL: Post-larvae) hàng năm.

Nhìn chung, tốc độ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp tại Bình Thuận ở mức trung bình so với cả nước. Hầu hết doanh nghiệp Bình Thuận hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính còn hạn chế, cho nên hoạt động đổi mới công nghệ vẫn chưa thật sự diễn ra mạnh mẽ.  Bên cạnh đó, đầu tư ngân sách của Nhà nước và của xã hội chưa đủ mạnh để tạo động lực cho sự phát triển KH&CN. Công tác phối hợp giữa các ngành trong hoạt động KH&CN chưa đồng bộ. Việc khảo sát và đánh giá hiện trạng trình độ công nghệ, tốc độ đổi mới công nghệ/ thiết bị trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện, nhưng chưa đầy đủ, thiếu sự phối hợp của doanh nghiệp. Cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao tham gia phát triển KH&CN chưa mạnh mẽ. Cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu triển khai còn nặng nề về thủ tục hành chính.

Để đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong thời gian tới, cần tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng gắn với sản xuất và phục vụ sản xuất, các lĩnh vực có khả năng tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, khai thác tiềm năng, các sản phẩm lợi thế của địa phương. Trong đó, đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách để khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với doanh nghiệp và phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng và có giá trị kinh tế cao của tỉnh.

- Phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp về hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, tham gia các chuỗi sản xuất, 10 chuỗi giá trị gia tăng cao, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ.

- Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Lựa chọn, tập trung phát triển công nghệ mới, ưu tiên có khả năng ứng dụng, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Thuận.

- Chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Tăng cường liên kết, hợp tác trong hoạt động khoa học và công nghệ. Trong đó tập trung khuyến khích các tổ chức khoa học và công nghệ liên kết với doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực đồng thời đẩy mạnh công tác hợp tác với các trường đại học, các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo./.

Mai Thanh Nga – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận


ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang