Sở Khoa học và Công nghệ: Tổ chức Hội nghị phổ biến “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”
19/09/2022
Lượt xem: 636
Ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 07/2022/QH15). Sáng ngày 16/9/2022, tại TP.Phan Thiết, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị phổ biến “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”.
Tham dự Hội nghị có Ông Trần Giang Khuê – Trưởng Văn phòng, Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu trí tuệ, bà Mai Thanh Nga – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cùng với sự tham dự gần 150 đại biểu Đại diện các Sở, ban, ngành; Đại diện UBND, phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Nông nghiệp của các huyện, thị, thành phố; Đại diện Lãnh đạo các Hội, các đoàn thể, các doanh nghiệp, các cá nhân trên địa bàn của tỉnh; Đại diện Đoàn Luật sư tỉnh, Toà án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Quản lý Thị trường và các bạn sinh viên đến từ các Đại học Phan Thiết, Cao đẳng Nghề, Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật.
Bà Mai Thanh Nga – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Mai Thanh Nga Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội đã thông qua vào năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019. Trải qua 16 năm thi hành từ khi được ban hành năm 2005 đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này. Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào các năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn trong nước và quốc tế, đảm bảo thực hiện hiệu quả các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XV tại kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2022. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Luật sửa đổi lần này có 120 Điều luật được điều chỉnh liên quan tới Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Ông Trần Giang Khuê – Trưởng Văn phòng, Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu trí tuệ - Báo cáo viên Hội nghị
Hội nghị đã lắng nghe báo cáo viên trình bày Giới thiệu tổng quan về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến từng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng, quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước; nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý;Khiếu nại và giải quyết khiếu nại về sở hữu công nghiệp và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Hội nghị đã tuyên truyền, phổ biến phân tích cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý của các quy định mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đến với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh./.
Huỳnh Phượng