Giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc giảm phát thải nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu tại Bình Thuận
Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính (KNK) của Việt Nam năm 2016, nông nghiệp đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải KNK toàn quốc. Nhằm giảm phát thải KNK trong nông nghiệp, các giải pháp kỹ thuật đã được đề xuất và áp dụng trong chăn nuôi đại gia súc.
Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính (KNK) của Việt Nam năm 2016, nông nghiệp đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải KNK toàn quốc, trong đó: sản xuất lúa nước phát thải khoảng 49,7 triệu tấn CO2e, chiếm 50% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e, khoảng 19% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp; sử dụng phân bón và quản lý đất phát thải khoảng 13,2 triệu tấn CO2e, chiếm 13% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp; đốt tàn dư thực vật gây phát thải 1,6 triệu tấn CO2e, chiếm khoảng 1,6% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp. Trong số các loại KNK gây biến đổi khí hậu toàn cầu, có 3 loại KNK được ghi nhận phát thải chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp là khí các bô níc (CO2), khí mê tan (CH4) và khí ô xít nitơ (N2O).
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh về cả số lượng lẫn quy mô. Mỗi năm chăn nuôi phát thải KNK rất nhiều nhưng việc xử lí chất thải chăn nuôi còn chưa hiệu quả. KNK phát thải trong quá trình sản xuất chăn nuôi nhiều nhất là khí mê tan (CH4). Mê tan phát sinh trong quá trình sinh học có trong ruột động vật, tiêu biểu là sự men hóa trong đường ruột, dạ dày của động vật nhai lại. Các loài động vật nhai lại như trâu, bò, dê, cừu, chiếm đến 80% tổng lượng khí thải nhà kính trong chăn nuôi. Để góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững đồng thời giảm lượng phát thải KNK, nhiều biện pháp kỹ thuật đã được áp dụng trong hoạt động sản xuất chăn nuôi như: sử dụng đệm lót sinh học, chăn nuôi theo hướng tuần hoàn.
Việc sử dụng đệm lót sinh học được đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm khí thải mê-tan, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường. Chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học là một hình thức nuôi nhốt gia súc, gia cầm trên một nền đệm lót được làm bằng nguyên liệu có độ trơ cao (như trấu, mùn cưa, rơm, rạ….) trộn với men vi sinh để phân hủy phân, nước tiểu, giảm khí độc và mùi hôi trong chuồng nuôi, giảm ô nhiễm môi trường, giảm được mùi hôi, giảm chi phí điện, nước, công lao động, giảm được dịch bệnh, giảm chi phí thuốc thú y,… từ đó giúp giảm giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận.
Chăn nuôi theo hướng tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác. Trong đó, cỏ và các phụ phẩm thực vật được chế biến, làm thức ăn cho trâu, bò. Các chất thải, phế phụ phẩm chăn nuôi sẽ được tái sử dụng làm nguồn phân bón cho thực vật. Chăn nuôi theo hướng tuần hoàn giúp giảm tối đa lượng chất thải, bảo vệ môi trường hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các giải pháp giúp phát triển chăn nuôi gia súc lớn đồng thời giảm phát thải nhà khí kính đã được các chuyên gia giới thiệu, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, mô hình tại buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc giảm phát thải nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bình Thuận” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận tổ chức ngày 29/8/2024./.
Duy Linh