Cải cách hành chính
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tình hình hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2022
Lượt xem: 1094
Trong năm qua, được sự quan tâm của các sở, ngành, địa phương, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản đã triển khai thực hiện có hiệu quả, từng bước góp phần nâng cao năng lực hoạt động của doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng, quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

Trong năm, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý chất lượng như đưa tin, bài trên báo đài và các trang thông tin của các đơn vị, tổ chức hội nghị, tập huấn, ban hành các văn bản hướng dẫn, treo pano, cấp phát tờ rơi,…

Để thuận lợi trong công tác triển khai quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Sở Y tế đã chủ trì phối hợp với các sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 36/2022/QĐ-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2022 về quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, Sở Y tế cũng xây dựng hồ sơ dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, đang hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo UBND tỉnh trình Bộ Y tế.

Hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, hợp quy được quan tâm. Trong năm đã tiếp nhận 423 hồ sơ công bố hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố tiêu chuẩn cơ sở. Rà soát, trang bị mới 48 tiêu chuẩn quốc gia, nâng tổng số TCVN được trang bị trong Thư viện Tiêu chuẩn đạt 1.644 cuốn.

Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng: các sở, ngành và địa phương đã thực hiện nhiều đợt thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cụ thể đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 516 cơ sở sản xuất, kinh doanh có liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hoá: xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, vật tư nông nghiệp, kinh doanh nông lâm, thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, quảng cáo ngoài trời, phát hành báo chí, tần số vô tuyến điện… Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 41 cơ sở(xử phạt vi phạm hành chính số tiền 416.350.000 đồng, tháo dỡ 24 panô, 89 băng rôn quảng cáo sai quy định),chiếm tỷ lệ 7,95 %. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch (quảng cáo ngoài trời), giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hiệu lực, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm trong chế biến, kinh doanh, tồn dư hóa chất vượt giới hạn cho phép trong thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng.

Song song với hoạt động thanh tra, kiểm tra, công tác giám sát, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong năm cũng được các sở, ngành quan tâm triển khai. Cụ thể, trong năm đã thực hiện giám sát chất lượng 71 mẫu xăng (dầu kết quả chất lượng phù hợp yêu cầu theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng); 30 mẫu hàng hóa dầu nhờn động cơ đốt trong, đồ chơi trẻ em và thiết bị điện – điện tử (kết quả 01 mẫu dầu nhờn và 01 mẫu đồ chơi trẻ em ghi nhãn không đầy đủ theo quy định; 04 mẫu đồ chơi trẻ em không đạt chỉ tiêu về an toàn cơ lý theo QCVN 03:2019/BKHCN về An toàn đồ chơi trẻ em); giám sát kiểm soát hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong thủy sản nuôi với 59 mẫu gồm 49 mẫu tôm, 10 mẫu nước ương tôm giống (kết quả 58 mẫu đạt yêu cầu, 01 mẫu tôm thương phẩm phát hiện nhiễm Ciprofloxacin); kiểm soát 13 mẫu ATVS vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ (kết quả có 2 mẫu có hàm lượng Cadimi chưa đáp ứng quy định của EU); giám sát chất lượng sau thu hoạch đối với 252 mẫu kiểm tra các chỉ tiêu ATTP, (kết quả, có 12 mẫu không đạt yêu cầu về chất lượng).

Về hoạt động xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao năng lực phòng thử nghiệm trọng điểm của tỉnh: Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận tiếp tục được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm và đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; Cục QLCLNLS&TS chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;hoàn thành khắc phục kiểm tra công tác hoạt động quan trắc môi trường lao động của Cục quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế.

Về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng: hỗ trợ tổ chức 03 khóa đào tạo nâng cao năng suất chất lượng tại một số tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ 16 cơ sở (09 thủy sản và 07 nông sản) áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; hỗ trợ 04 cơ sở (03 thủy sản và 01 nông sản) chứng nhận HACCP; xây dựng mới 02 mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (01 chuỗi nông sản, 01 chuỗi thủy sản), cấp 25.000 tem điện tử QR code truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; hoàn thiện kết nối 01 chuỗi thủy sản khô; mô hình thí điểm liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bạch tuộc theo chuỗi giá trị trên địa bàn thành phố Phan Thiết; cấp 04 giấy xác nhận sản phẩm an toàn cho 04 cơ sở với 13 sản phẩm (04 sản phẩm nông sản và 09 sản phẩm thủy sản); thực hiện 01 đề án nhóm Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm với kinh phí hỗ trợ thực hiện là 1,2 tỷ đồng (300 triệu đồng/01 đơn vị).

Từ những kết quả đạt được trong năm qua, các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai nhiệm vụ quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2023:thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa; thường xuyên giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ mất an toàn, có nhu cầu tiêu dùng cao; tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua việc áp dụng các phương pháp, mô hình, hệ thống quản lý chất lượng; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cho các ngành hàng lợi thế của tỉnh./.

Phạm Hưng




ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang