BỘ KINH PHÁP HOA KHẮC GỖ DUY NHẤT TRÊN THẾ GIỚI ĐƯỢC LƯU GIỮ TẠI CHÙA PHẬT QUANG – PHAN THIẾT
Năm 2002, chúng tôi cùng Giáo sư Nguyễn Tấn
Đắc và một số các nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện khoa học
xã hội tại TP. Hồ Chí Minh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Sưu tầm, phiên
dịch, nghiên cứu di sản Hán Nôm trong các di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Bình
Thuận”. Trong đó đã dành một phần thời gian và công sức
để nghiên
cứu về bộ Kinh Pháp Hoa khắc gỗ tại chùa Phật Quang ở Thành phố Phan Thiết
(tỉnh Bình Thuận). Ở thời điểm đó không dễ gì để được tận mắt nhìn thấy bộ Kinh
cổ và quý như một di sản văn hóa Phật giáo độc đáo này.
Tiếp chúng tôi tại chùa,
khi biết đang lấy tư liệu nghiên cứu đề tài, Hòa Thượng Thích
Huệ Tánh trụ trì chùa Phật Quang cho biết: Trước khi chùa dời về vị trí hiện
nay và lấy tên Phật Quang, gốc tích của chùa ở đạo Ninh Thuận tên cũ là chùa Bồ
Đề. Sau khi di chuyển về Phan Thiết mới đổi thành tên Phật Quang cho đến ngày
nay. Còn việc dời chùa về thời gian cụ thể nào thì không ai biết, vì đã qua rất
nhiều đời sư trụ trì trong thời gian khoảng 2 thế kỷ, lại phải chạy giặc nhiều
lần trong chiến tranh, nên tài liệu đã thất lạc hết.
Cho đến năm Đinh Mão 1987, Hòa Thượng
Thích Huệ Tánh được chuyển về trụ trì chùa Phật Quang và tại đây, cơ may cùng nhân
duyên đã xảy ra. Ấy là vào ngày 16 tháng 11 (Âm lịch) trong lúc Hòa Thượng cùng
phật tử quét dọn và sửa sang chùa để chuẩn bị ngày vía Phật A Di Đà và đón tất
niên năm đó. Khi quét dọn nơi tẩm thờ Tam thế Phật, bỗng dưng một số tấm ván
lót phía dưới nền nhà của tẩm thờ gập ghềnh. Mọi người kéo ra để sắp xếp lại,
vô tình phát hiện một cái hầm, trong hầm lộ ra một cái cũi chắc chắn, được làm bằng
gổ căm xe. Khi khui nắp củi ra, mọi người vừa sợ vừa mừng vì bên trong là một
bộ kinh Pháp Hoa, khắc trên hơn 100 tấm gỗ còn nguyên vẹn.

Một bức tranh khắc
gỗ trong bộ kinh Pháp Hoa. Ảnh: Nguyễn Xuân Lý.
Vì sao bộ kinh cổ quý hiếm có ở chùa Phật
Quang và vì sao lại phải chôn giấu hàng trăm năm như vậy, ai là người chôn đến
nay không ai biết? Đó là những bí ẩn đến nay chưa có câu trả lời. Theo Hòa Thượng
Thích Huệ Tánh, sở dĩ phải chôn giấu kỹ như vậy, vì dưới thời Tây Sơn có lệnh
vận động chùa chiền trong nước hiến các vật dụng kể cả tượng Phật bằng đồng để
đúc súng đạn. Nên nhà chùa phải chôn giấu, trải qua nhiều đời và bị quên lãng
cho đến ngày nay. Lời giải thích đó là có lý. Nhưng bộ kinh được làm hoàn toàn
bằng gỗ chứ không phải đồng. Vậy phải có một lý do nào đó quan trọng hơn. Câu
trả lời rất khó khi chưa có bằng chứng cụ thể.
Đây là bộ Kinh thuộc dạng quý hiếm và duy
nhất ở Việt Nam và trên thế giới, được khắc bằng chữ Hán trên 118 tấm mộc bản
với 60 vạn lời. Do ba thiền sư người Hoa là Khất sỹ Minh Dung, Thiệt Huệ hiệu
là Khánh Tài, Thiệt Sát hiệu là Báo Hương và 18 Phật tử khắc ròng rã trong 28
năm. Đây là bộ Kinh được thực hiện từ năm 1706 đến năm 1734 mới hoàn thành. Một
trong những tấm mộc bản phần cuối của bộ Kinh cho biết điều đó. Cho đến nay,
nét khắc trên những mộc bản (cây thị rừng đỏ) ấy trông vẫn còn sắc sảo và rõ
nét.
Ngoài những tấm mộc bản khắc ghi nội dung Kinh
Pháp Hoa, còn có những tấm mộc bản chạm khắc cảnh đức Phật Thích Ca thuyết pháp
cho thánh chúng nghe. Hình ảnh đức Phật Thích Ca đang thuyết pháp trước thánh
chúng được thể hiện trên những bản chạm khắc thật sắc nét, sinh động và độc
đáo. Đây không chỉ là những hình ảnh minh họa về đức Phật với chúng sinh, mà
còn là những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật quý hiếm.
Một điều kỳ lạ là liên tục trong 28 năm ấy,
ba thiền sư và các phật tử đã miệt mài chạm trổ từng nét, mà lại là khắc chữ ngược.
Nhưng không sai, không lặp hay thiếu một chữ nào. Khi in ra không mấy ai nghĩ
những dòng chữ đẹp đẽ, sắc nét và những bức tranh khắc ngược, mô tả cảnh đức
Phật đang thuyết pháp trước hàng trăm người ấy là do con người khắc vào gỗ, mà
cứ tưởng là do máy móc làm ra bản in khắc ngược ấy. Người làm và nội dung cũng
như thời gian làm thì đã rõ, còn bộ Kinh được
làm ở đâu trước khi đưa về chùa Phật Quang thì đến nay vẫn là ẩn số.
Nói bộ Kinh thuộc dạng quý hiếm và duy
nhất ở Việt Nam
và trên thế giới là chính xác. Bởi ở Trung Quốc cũng đã phát hiện hai bộ Kinh Pháp
Hoa có niên đại sớm hơn, một bộ khắc trên chất liệu đồng và một bộ khắc trên
chất liệu đá, với nội dung như bộ Kinh Pháp Hoa tại chùa Phật Quang. Nhưng cả
hai bộ này đều bị thất lạc nhiều bản khắc, số còn lại do bị phong hóa và mục,
nên nội dung không đầy đủ, do đó chúng không có giá trị bằng bộ Kinh Pháp Hoa
tại chùa Phật Quang.
Trở lại lịch sử của thời kỳ này để chúng
ta biết thêm về giá trị của bộ Kinh. Đạo
Phật du nhập vào Việt Nam, phát triển
gần 2.000 năm qua, đã tạo tiền đề cho sự hình thành một nền văn hóa Phật giáo
Việt Nam, mang những đặc trưng riêng biệt. Tuy nhiên mới chỉ là vùng đất từ Hà
Tĩnh bên kia Đèo Ngang. Vào khoảng đầu thế kỷ XVII theo chân các đoàn di dân từ
miền Thuận Quảng đạo Phật đã có mặt trên vùng đất mới phía Nam. Cùng đi theo lớp cư dân đông
đảo đó, có không ít những nhà sư người Việt và tín đồ Phật giáo. Và đạo Phật từ
đó cũng dần dần phát triển ở Bình Thuận cho đến ngày nay.
Thời kỳ này đạo Phật được
coi là Quốc giáo, vua chúa cả Đàng trong và Đàng ngoài đều sùng bái đạo Phật.
Các chúa Nguyễn từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Nguyên đều tự xưng mình là chúa
Tiên, chúa Sãi. Chúa nào cũng sùng bái đạo Phật, đặc biệt là chúa Nguyễn Phúc
Chu, vị vua sùng kính đạo Phật vào bậc nhất. Chúa từng có pháp hiệu Thiên Túng
Đạo Nhân hay Hưng Long Cư Sỹ, đã tạo điều kiện cho sự ra đời của nhiều ngôi
chùa mới ở Đàng Trong. Trong đó ở Bình Thuận có một số chùa ra đời trong thời
kỳ này, như Chùa Phật Quang được xây dựng vào năm 1734, chùa Linh Quang ở Phú
Quý ra đời vào năm 1747. Chưa bao giờ Phật Giáo xứ Đàng Trong được chính quyền
các chúa Nguyễn lưu tâm hộ trì đến thế. Bộ Kinh Pháp Hoa ở chùa
Phật Quang cũng được khởi đầu và hoàn thiện trong thời gian này. Khởi đầu vào
năm 1706 và hoàn thiện năm 1734.
Kinh
Pháp Hoa là một trong
những bộ kinh lớn của hệ thống Kinh tạng Đại thừa Phật giáo, được các học giả phương Tây cho là 1 trong 20 Thánh thư
phương Đông. Bộ Kinh đã được các thiền sư và 18 Phật tử khắc
trong 28 năm, chuyển chữ từ giấy vào gỗ thật là kỳ công. Nói về bộ kinh Pháp Hoa, là nói đến
niềm tự hào cũng như những bước thăng trầm của ngôi chùa. Hiện nay 118 tấm mộc bản như là một di sản văn hóa
quốc gia, nó có tính chất cực kỳ quý đối với nước ta và hiếm đối với thế giới đang
được lưu giữ cẩn thận tại chùa Phật Quang.
Nguyễn Xuân Lý