MỘT SỐ ĐIỂM MỚI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NĂM 2022
Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi năm 2022 được thông qua ngày 15/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 thay thế Luật Thi đua, khen thưởng 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2005; Luật Di sản văn hóa 2009 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013.
Một số điểm mới của Luật thi đua, khen thưởng 2022 như sau:
1. Bổ sung đối tượng và làm rõ hơn một số khái niệm:
-Thi đua là hoạt động có tổ chức do người có thẩm quyền phát động với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể,hộ gia đình.
-Danh hiệu thi đua là hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối vớicá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích trong thi đua
-Khen thưởnglà việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
-Làm rõ khái niệm sáng kiến; Bộ, ban, ngành, tỉnh và kỷ niệm năm “tròn”: Năm tròn là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0” .
2. Bổ sung nguyên tắc khen thưởng:
Theo đó, Luật thi đua, khen thưởng 2022 đã bổ sung các nguyên tắc khen thưởng trên cơ sở thành tích đến đâu khen thưởng đến đó (điểm c khoản 2 Điều 5); Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (điểm d khoản 2 Điều 5); Đảm bảo bình đẳng giới trong thi đua khen thưởng (khoản 3 Điều 5).
Đặc biệt, Luật thi đua, khen thưởng 2022 bổ sung quy định: Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” phải đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”; Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận (khoản 2 Điều 23). Tiêu chuẩn tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ: Đã được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh và có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
3. Thay đổi nguyên tắc xét thi đua, khen thưởng:
Về căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua: Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã bỏ quy định đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua (Điều 7).
Về căn cứ xét khen thưởng: Luật thi đua, khen thưởng năm 2022 kế thừa nguyên tắc “Tiêu chuẩn khen thưởng (khoản 2 Điều 10) và thay đổi căn cứ “Phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thành tích” sang “Thành tích đạt được” (khoản 1 Điều 10); thay đổi căn cứ “Trách nhiệm và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích” sang “Điều kiện và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích” (khoản 3 Điều 10).
4. Bỏ hình thức khen thưởng “Huy hiệu”
Theo Điều 9, các hình thức khen thưởng tại Luật thi đua, khen thưởng 2022 bao gồm: huân chương, Huy chương; Danh hiệu vinh dự nhà nước; “Giải thưởng Hồ Chí Minh”; “giải thưởng Nhà nước”; kỷ niệm chương; Bằng khen; giấy khen. Như vậy, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 đã bỏ hình thức khen thưởng “Huy hiệu’.
5. Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong thi đua, khen thưởng
Cụ thể tại Điều 15, các hành vi sau: tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng; Sử dụng hiện vật khen thưởng trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, tác động xấu đến xã hội; Sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng trái quy định của pháp luật.
Trên đây là những điểm mới về thi đua, khen thưởng được quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng 2022, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024.