Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách thời gian tới, trong đó việc sắp xếp lại địa giới hành chính cấp tỉnh, xã, chính sách tiền tệ và tài khóa thúc đẩy tăng trưởng, không để thiếu điện, năng lượng, quan hệ thương mại với Hoa Kỳ...
Sáng 5/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2025.
Dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn, Nguyễn Chí Dũng, Mai Văn Chính; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đồng chí Trợ lý Tổng Bí thư, đại diện lãnh đạo một số Ban, Ủy ban, cơ quan của Trung ương Đảng và Quốc hội; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế.
Phiên họp tập trung đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng; các chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình giải ngân vốn đầu tư công; tình hình thực hiện Nghị quyết 25 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên; những trọng tâm chỉ đạo thời gian tới.
Quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng từ 8% trở lên
Trong tháng 2, ban hành 38 nghị định, 18 nghị quyết, 23 công điện, 2 chỉ thị; tổ chức 1 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật. Trong 2 tháng, đã ban hành 42 nghị định, 49 nghị quyết, 456 quyết định và 5 chỉ thị.
Ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ cho 24 đoàn công tác của Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương; thành lập 7 đoàn kiểm tra về rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm.
Tổ chức tốt các ngày lễ lớn (trong đó có kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam).
Đã xóa gần 115,5 nghìn căn nhà tạm, dột nát
Về kết quả đạt được, các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng tốt hơn cùng kỳ, với 8 kết quả nổi bật.
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng được thúc đẩy, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
CPI bình quân 2 tháng tăng 3,27%; lạm phát cơ bản tăng 2,97%. Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định; lãi suất cho vay bình quân giảm 0,72%/năm so với cuối năm 2024, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Thu ngân sách nhà nước 2 tháng đạt gần 500 nghìn tỷ đồng, bằng 25,4% dự toán, tăng 25,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ, nhập khẩu tăng 15,2%; tiếp tục xuất siêu. An ninh năng lượng, lương thực, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.
Thứ hai, các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục phát triển tốt với xu hướng khả quan. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 tăng 16,7% so với cùng kỳ, tính chung 2 tháng tăng 7% (cùng kỳ tăng 6,5%); trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,3%. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Thương mại, dịch vụ khá sôi động; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 tháng tăng 9,4% (cùng kỳ tăng 8,4%); khách du lịch quốc tế tăng mạnh, đạt gần 4 triệu lượt, tăng 30,2% so với cùng kỳ.
Thứ ba, đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Vốn FDI đăng ký đạt 6,9 tỷ USD, tăng 35,5%; vốn FDI thực hiện gần 3 tỷ USD, tăng 5,4%. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 60,4 nghìn tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2024 và đạt 7,32% kế hoạch giao.
Thứ tư, phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm đạt trên 709 nghìn tỷ đồng, tăng 66,1%; trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 131%. Điều này cho thấy kỳ vọng của các doanh nghiệp về triển vọng phát triển của nền kinh tế.
Thứ năm, các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Tỉ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên là 97,0% (tăng 1% so với tháng 1 và tăng 2,8% so với cùng kỳ). Hỗ trợ gạo trong dịp Tết và giáp hạt, không để ai thiếu đói. Nhiều địa phương tích cực triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát (đến hết tháng 2 đã hỗ trợ xoá gần 115,5 nghìn căn).
Thứ sáu, chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; trong hai tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông giảm 31,2%; số người chết giảm 10,5%; số người bị thương giảm 41,0% so với cùng kỳ..
Thứ bảy, các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, tổ chức thành công Diễn đàn ASEAN năm 2025 và nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam. Tổ chức tốt cuộc gặp giữa ba Người đứng đầu ba Đảng, ba Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Campuchia và Lào tại TPHCM.
Thứ tám, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực, dự báo lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2025, trong đó đặc biệt Tổ chức S&P Global Rating dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.
Phấn đấu tăng trưởng công nghiệp, xây dựng khoảng 9,5% trở lên
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến về công tác chỉ đạo, điều hành và những kết quả kinh tế-xã hội nổi bật trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được rất cơ bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường. Thể chế, pháp luật còn những bất cập, vướng mắc. Huy động nguồn lực còn khó khăn; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp mặc dù đã xuất hiện tín hiệu tích cực song vẫn còn vướng mắc.
Khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn. Cầu nội địa, sức mua một số lĩnh vực, địa phương phục hồi chậm; các biện pháp kích cầu tiêu dùng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Giải ngân vốn đầu tư công nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; còn 77,6 nghìn tỷ đồng vốn kế hoạch chưa phân bổ chi tiết.
Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực phục vụ các ngành mới nổi, động lực tăng trưởng mới còn hạn chế. Việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mới đạt được những kết quả bước đầu, chưa tạo được chuyển biến rõ nét.
Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 có thể xảy ra ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Thủ tướng lưu ý việc phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8% trở lên vẫn còn là thách thức lớn; theo kịch bản phải phấn đấu tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng khoảng 9,5% trở lên; khu vực dịch vụ 8,1% trở lên; khu vực nông nghiệp 3,9% trở lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 12% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD…