Cải cách hành chính
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Những thành tựu khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh trong 30 năm qua
Lượt xem: 539
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế

Đầu năm 1992, Trung ương có chủ trương tách tỉnh Thuận Hải thành tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận, ngay sau đó UBND tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định số 719 QĐ/UB-BT ngày 4/3/1992 về việc thành lập Ban KHKT tỉnh. Tháng 10/1993, UBND tỉnh Bình Thuận ra Quyết định số 1230 QĐ/UBBT ngày 21/10/1993 về việc đổi tên Ban KHKT tỉnh thành Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tháng 7/2003 theo Quyết định số 43/2003/QĐ-UBBT ngày 16/6/2003 của UBND tỉnh Bình Thuận, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường được đổi tên thành Sở Khoa học và Công nghệ.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mang lại hiệu quả cao từng bước được phổ biến, nhân rộng, góp phần thay đổi tập quán, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nhân dân. Tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh từng bước được tăng cường cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác quản lý và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân trong tỉnh. Năng lực nghiên cứu, ứng dụng của các tổ chức trong tỉnh đã được nâng cao có khả năng chủ trì giải quyết hầu hết các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ của tỉnh và tham gia một số nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Trung ương. Tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân đã được hỗ trợ tạo lập và phát triển. Một số mặt hàng chủ lực, lợi thế của tỉnh như thanh long, nước mắm, thủy sản đã nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, tạo dựng được thương hiệu, được bảo hộ trong và ngoài nước. Công tác quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ ngày càng hoàn thiện. Năng lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống tiếp tục được nâng lên. Bước đầu thực hiện các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hoạt động khoa học và công nghệ đã có nhiều đổi mới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đóng góp của KH&CN trong tăng trưởng kinh tế đo bằng chỉ số TFP bình quân hằng năm trong giai đoạn 2011 – 2015 là 29,6%, giai đoạn 2016 – 2020 là 32,48%.

Trong giai đoạn tiếp theo, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của UBND tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025, hoạt động khoa học và Công nghệ cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

1.  Tập trung góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục đà tăng trưởng không để bị “đứt gãy” do ảnh hưởng bởi dịch Covid19. Phấn đấu Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2021 -2025 từ 36% đến 40%

Phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; tạo bức phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp về hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, tham gia các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị gia tăng cao, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ. Lựa chọn, tập trung phát triển công nghệ mới, ưu tiên có khả năng ứng dụng, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Thuận.

Tập trung triển khai thực hiện tốt các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, trong đó thực hiện tốt việc áp dụng và quản lý hệ thống truy suất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa (theo quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 09/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ), hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường.

2.  Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bức phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư:

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ
thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng gắn với sản xuất và phục vụ sản xuất, các lĩnh vực có khả năng tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, khai thác tiềm năng, các sản phẩm lợi thế của địa phương. Trong đó, đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách để khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với doanh nghiệp và phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng và có giá trị kinh tế cao của tỉnh.

Tiếp tục nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh thông qua việc triển khai các biện pháp huy động nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn khác cho phát triển khoa học công nghệ; đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trãi; phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cả về số lượng và chất lượng; tăng cường tiềm lực cho hoạt động thông tin và thống kê khoa học và công nghệ.

 Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ và các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ. Tập trung hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương; hỗ trợ các hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, thiết bị đồng thời thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về năng suất, chất lượng, tư vấn áp dụng các hệ thông quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp.

Tăng cường liên kết, hợp tác trong hoạt động khoa học và công nghệ. Trong đó tập trung khuyến khích các tổ chức khoa học và công nghệ liên kết với doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực đồng thời đẩy mạnh công tác hợp tác với các trường đại học, các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án/chương trình/kế hoạch/chính sách về khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Bao gồm: (1) Chương trình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Thuận; (2) Chương trình truyền thông KHCN, (3) Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; (4) Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; (5) Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

3.  Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, các cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan tư pháp. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực:

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động khoa học và công nghệ. Trong đó, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách mới về hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách mới về quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính; tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.

Thực hiện cải cách hành chính toàn diện. Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục còn rườm rà, phức tạp và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ.

Chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Chú trọng đúng mức công tác tự kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật./.

Bảo Quốc


ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang