Tổng kết và trao giải cuộc thi “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2020 - 2021”
Sáng ngày 31 tháng 12 năm 2021, Ban Tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết và trao giải Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2020 - 2021”. Đến dự có lãnh đạo địa phương, sở, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, Ban Tổ chức và các tác giả đã tham gia Cuộc thi.
Được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Đây là lần đầu tiên tại tỉnh Bình Thuận, tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cuộc thi đã thu hút được đông đảo các tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân và các doanh nghiệp khởi nghiệp hưởng ứng tham gia. Cuộc thi đã góp phần khơi dậy niềm đam mê, khả năng sáng tạo nghiên cứu khoa học cộng với tinh thần dám làm, làm đột phá tạo ra ý tưởng mới, ý tưởng sáng tạo của các tác giả, nhóm tác giả đã giúp cho Cuộc thi về đến đích thành công.
Cuộc thi đã diễn ra trong bối cảnh vô cùng khó khăn do dịch bệnh COVID – 19 (cộng đồng tập trung nguồn lực phòng chống dịch ảnh hưởng lớn đến tình hình triển khai Cuộc thi), Ban Tổ chức Cuộc thi đã 02 lần đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho lùi thời gian nhận bài thi và tổ chức chấm thi và trao giải. Do tình hình dịch bệnh COVID – 19 kéo dài, việc tập trung người khó khăn nên Ban Tổ chức đã tổ chức một số hoạt động hỗ trợ Cuộc thi (đào tạo, tập huấn) và chấm thi Vòng Chung kết theo hình thức trực tuyến (cho các giám khảo và thí sinh vùng phong tỏa, cách ly). Việc tổ chức các nội dung này theo hình thức trực tuyến là hình thức tối ưu trong thời điểm dịch bệnh COVID, tuy nhiên có nhiều khó khăn khi thực hiện, nhất là việc chấm thi (do đường truyền internet, các thi sinh chưa bộc lộ hết nội dung của dự án, giải pháp, giám khảo gặp khó khăn khi đặt câu hỏi và nhận câu trả lời từ thí sinh,…).
Nhưng với sự nổ lực, quyết tâm của Ban Giám khảo và các thi sinh đã khắc phục được các khó khăn và Cuộc thi sẽ thúc đẩy sự hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung.
Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được 35 bài dự thi thuộc các lĩnh vực khác nhau, gồm nhiều thành phần: Doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, trường cao đẳng, trường THPT, cá nhân, … có nhiều lứa tuổi tham gia: người có tuổi thấp nhất là 17, cao tuổi nhất là 66. Việc chấm thi diễn ra 02 vòng: Vòng Sơ khảo và Vòng Chung kết, Vòng Sơ khảo: Hội đồng giám khảo tổ chức chấm thi dựa vào nội dung bài thi và đã chọn được 15 bài có số điểm cao nhất được dự thi Vòng Chung kết. Tại Vòng Chung kết, các thí sinh đã trình bày các giải pháp và Hội đồng Giám khảo đã chọn 11 giải pháp, mô hình sáng tạo, có tính mới, có khả năng áp dụng và mang lại hiệu quả thiết thực để trao giải.
Tác giả Hồ Thị Bạch Hoàng nhận giải nhất với sản phẩm “Tương thanh long”
Tại Hội nghị ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ, Trưởng ban tổ chức cuộc thi đã trao bằng khen của UBND tỉnh dành cho Giải nhất “Tương thanh long” của tác giả Hồ Thị Bạch Hoàng, Cơ sở sản xuất thực phẩm Ngọc Uyên, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận;
Ông Lương Thanh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận – Phó Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi đã trao bằng khen của UBND tỉnh dành cho 02 giải nhì thuộc về Giải pháp: “Cao dán Thảo mộc hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp” của tác giả Châu Ngọc Du, xã Tân Phước, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận và Giải pháp: “Máy đo thân nhiệt và sát khuẩn tay tự động không tiếp xúc” của nhóm tác giả Ngô Lê Minh Thư, Mai Đình Phúc, Ngô Cam Pô, Nguyễn Tiến Khôi, Nguyễn Thị Thu Ngân, Trường THPT Phan Bội Châu, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận;
Tương tự, các thành viên Ban tổ chức đã trao bằng khen của UBND tỉnh cho 03 giải pháp: “Vang Khải Hoàn thanh long trắng” của tác giả Nguyễn Tiêu Kha, Công ty TNHH Ánh Hồng Phúc, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, “Nước ép thanh long Bảo Long” của tác giả Trần Thị Kim Lĩnh, Cơ sở sản xuất rượu thanh long Bảo Long Bình Thuận, khu phố Phú An, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, “Mô hình kinh tế tuần hoàn: Tái sử dụng nguồn nguyên liệu tạo ra chuỗi sản phẩm nấm linh chi, nấm rơm, rau mầm và phân hữu cơ góp phần tăng hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường” của tác giả Lê Việt Kỳ, Trung tâm thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận đạt giải ba.
05 giải pháp khác cũng đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi. Bao gồm: “Tranh giấy xoắn nghệ thuật Ánh Nguyệt” của Lê Thị Ánh Nguyệt, Tân Xuân, Hàm Tân; “Thỏ sấy gác bếp” của Hồ Hữu Nghị, xã Huy Khiêm, Tánh Linh; “Trà hoa thanh long sấy” của Nguyễn Thùy Thuận, Công ty TNHH sản xuất thương mại Trà Thanh Long, Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh; “Mô hình chế biến thanh long đỏ lên men” của Nguyễn Trường An, phường Tân Thiện, TX. La Gi; “Kim chi Hoa Thanh Long” của nhóm tác giả ở Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hoa Thanh Long, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.
Qua Cuộc thi, Ban Tổ chức ghi nhận được nhiệt huyết của các tác giả tham gia dự thi đặc biệt là các tác giả lớn tuổi. Bên cạnh đó còn có các bạn học sinh, sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã có những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tốt. Các bạn đều là những người trẻ có hoài bão và năng động. Mỗi dự án đều chứa đựng rất nhiều tâm huyết của các bạn và Ban tổ chức đã rất khó khăn trong việc lựa chọn ra các dự án, ý tưởng được vào vòng chung kết cũng như lựa chọn ra những dự án, ý tưởng xuất sắc nhất để tôn vinh và trao giải.
Ban Tổ chức chụp hình kỷ niệm với các tác giả đạt giải Cuộc thi
Cuộc thi này đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, tạo ra sự kết nối giữa các yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Bình Thuận và tìm ra các giải pháp giúp trong hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh phát triển./.
Việt Hùng