Vai trò của trí thức khoa học và công nghệ trong hệ thống chính trị và nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương
Trí thức Việt Nam nói chung, trí thức
Bình Thuận nói riêng xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ
công nhân và nông dân; dưới sự lãnh đạo của Đảng, trí thức tỉnh Bình Thuận trong những năm qua đã phát triển
nhanh cả về số lượng và chất lượng phần lớn trưởng thành trong xã hội mới với
nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trí thức tỉnh nhà có đóng góp to lớn trên tất cả
các lĩnh vực, lãnh đạo, quản lý, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng
tỉnh nhà phát triển bền vững.
Hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy gặp mặt đội ngũ trí thức tỉnh
Bình Thuận năm 2020
Với tinh thần quán triệt tư tưởng và quan điểm Nghị Quyết
Hội nghị lần thứ 7 của BCHTWĐ (khoá X), Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ
Chính trính trị (khóa X) về “tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả
hoạt động của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,
HĐH đất nước”, Kết luận số 52-KL/TW của Ban Bí thư TW Đảng (khóa XII) về tiếp
tục thực hiện Nghị Quyết TW 7 (khóa X), Chương trình hành động số 19-NQ/TU ngày
22/9/2008 của BCH Đảng bộ Tỉnh Bình Thuận (khoá XI), Chỉ thị số 52-CT/TU ngày
29/7/2010 của Ban thường vụ Tỉnh ủy (khóa X) thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW, Kế
hoạch 165-KH/TU ngày 09/10/2019 của Ban thường vụ Tỉnh ủy thực hiện kết luận
52-KL/TW, Kế hoạch số 6463/KH-UBND ngày 29/12/2008 của UBND tỉnh thực hiện
Chương trình hành động số 19-NQ/TU của Tỉnh uỷ, kế hoạch số 1331-KH/UBND ngày
8/4/2020 của UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch số 165-KH/TU. Thông qua các
văn bản chỉ đạo cho thấy lãnh đạo Đảng nhà nước ở Trung ương đến địa phương đã
quan tâm đến đội ngũ trí thức KH&CN, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh, bằng các
hình thức khác nhau đã tổ chức học tập, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị,
Chương trình hành động, kế hoạch đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên.
Qua học tập, quán triệt đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp,
các ngành và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc tham gia xây dựng đội ngũ trí
thức khoa học và công nghệ và xem đây là động lực có tính quyết định trong quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa
phương phát triển. Tỉnh đã đánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức
khoa học công nghệ và tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức thực hiện như:
- Hoàn thiện môi
trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức: Bằng các hình thức phù hợp,
thông qua các lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn và các lớp tập huấn, các buổi tọa
đàm; cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã tạo điều kiện cho
đội ngũ trí thức được tham gia học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị,
chuyên môn, nghiệp vụ,... thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực
vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hàng năm, thông qua Liên hiệp hội
tỉnh đều tổ chức buổi gặp mặt giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy với đội ngũ trí thức
để trao đổi, cung cấp thông tin, lắng nghe tâm tư, tình cảm, đề xuất, kiến nghị
với lãnh đạo tỉnh về những vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương và định hướng
hoạt động của đội ngũ trí thức. Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển
kinh tế - xã hội, nhất là trên các lĩnh vực về khoa học - công nghệ, giáo dục,
y tế, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải được tỉnh quan tâm.
- Thực
hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức: Việc khuyến khích đội ngũ trí thức nâng cao trình độ
chuyên sâu, bồi dưỡng kiến thức mới được quan tâm. UBND tỉnh tiếp tục thực hiện
chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức học tập, góp
phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, những năm gần đây số trí thức được đào
tạo theo hệ chính quy và số học sau đại học tăng khá. Công tác quy hoạch cán bộ
lãnh đạo là trí thức luôn được các cấp, các ngành thực hiện theo đúng quy
trình, quy định, đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu, độ tuổi; chất lượng nguồn
quy hoạch được nâng lên, tỷ lệ trí thức là nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số được
quan tâm. Đặc biệt ngày 15/10/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số
43/2014-QĐ/UBND và Quyết định số 21/2020/QĐ-UBND ngày 28/7/2020 về sửa đổi bổ
sung một số điều của Quy chế tôn vinh, khen thưởng những trí thức có giải pháp,
sáng kiến, công trình khoa học được triển khai áp dụng, mang lại hiệu quả kinh
tế - xã hội thiết thực.
- Tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng
trí thức: Tỉnh đã ban hành Đề án 100 về việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ
sau đại học ở nước ngoài, đến nay đã có 30 ứng viên hoàn thành chương trình đào
tạo, gồm: 03 Tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài, 27 Thạc sĩ (18 ứng viên được đào tạo
hoàn toàn ở nước ngoài, 09 ứng viên được đào tạo theo chương trình liên kết 1
phần trong nước và 1 phần ở nước ngoài).
Thực hiện Đề án 165 của Trung ương, đến nay toàn tỉnh có 45 người tham
gia. Ngoài ra, một số đối tượng được cử đi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở nước
ngoài theo các Chương trình học bổng quốc tế như Chương trình học bổng Quỹ
Ford, Chương trình Fullright.
- Đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao
chất lượng hoạt động các hội của trí thức:
Các hoạt động của đội ngũ trí thức đều gắn liền với
các hoạt động thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Do vậy, để tạo sự
chuyển biến nhận thức về vai trò, trách nhiệm, cùng với sự phấn đấu nỗ lực vươn
lên trong rèn luyện, học tập của đội ngũ trí thức; Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên
giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp Hội, Sở Khoa học và Công nghệ và các sở,
ban, ngành, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tổ chức học tập, quán
triệt, nghiên cứu các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, tổ chức các hội thảo chuyên
đề. Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội đã thường
xuyên củng cố, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm thu hút trí thức
tham gia đóng góp trí tuệ, công sức của mình; tập hợp ý kiến của trí thức để
góp ý, đề xuất, tham mưu lãnh đạo tỉnh nhằm hoàn thiện các chủ trương, chính
sách phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị chính
đáng của đội ngũ trí thức.
- Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Đảng đối với
đội ngũ trí thức: Xác định vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức
trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế nên
lãnh đạo tỉnh luôn yêu cầu các cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp trong tỉnh
thường xuyên quan tâm đến đội ngũ trí thức và phải tạo điều kiện thuận lợi để đội
ngũ trí thức tỉnh nhà hoạt động, phát huy năng lực, cống hiến tài năng, trí tuệ
cho sự phát triển chung của tỉnh
- Phát triển và hoạt động của các tổ chức, đoàn thể trí
thức: Liên hiệp Hội thường xuyên làm việc với các sở, ngành có tổ chức Hội
thành viên để tranh thủ sự ủng hộ về chủ trương triển khai chương trình, dự án
và kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi để các Hội thành viên hoạt động. Công tác
tư vấn, phản biện và giám định xã hội ngày càng hiệu quả. Liên hiệp Hội đã phối hợp
các sở, ngành tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (định kỳ 02 năm/lần), Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh
thiếu niên, nhi đồng (định kỳ 01 năm/lần) đạt kết quả khá tích cực. Phối
hợp với Sở Khoa học và Công nghệ định kỳ hàng quý xuất bản tạp chí Thông tin
Khoa học và Công nghệ; phát hành Kỷ yếu Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh. Liên
hiệp Hội và các Hội thành viên, Hội viên tập thể đã tổ chức các lớp tập huấn, hội
thảo ở các lĩnh vực khác nhau, tham gia công tác xóa đói giảm nghèo, hoạt động
xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh.
Hình
ảnh đội ngũ trí thức tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp
hội
Bên cạnh những thuận lợi mà Trung ương và của tỉnh quan tâm cho đội ngũ trí
thức khoa học và công nghệ phát huy vị trí, vai trò, vẫn còn một số khó khăn tồn
tại như:
- Một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn thiếu quan tâm đến vị
trí vai trò của đội ngũ trí thức KH&CN, việc cụ thể hoá và tổ chức triển
khai một số văn bản có liên quan đến vai trò của đội ngũ trí thức như Nghị quyết
số 27-NQ/TW, CT-52/TW, Chương trình hành động số 19-NQ/TU còn lúng túng, nên giải
pháp thực hiện chưa sát với tình hình thực tế của địa phương, công tác tuyên
truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước cho đội ngũ trí thức chưa thường xuyên.
- Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức đầy
đủ về vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức nên chưa quan tâm đúng mức
công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ trí thức trong cơ quan, đơn vị mình
quản lý; chưa coi trọng nguồn nhân lực có trình độ cao, nhất là khâu đánh giá,
trọng dụng, đề bạt các trí thức giỏi vào các chức danh lãnh đạo, quản lý; sử dụng
trí thức có nơi chưa phù hợp với năng lực, trình độ làm ảnh hưởng đến chất lượng,
hiệu quả công việc; công tác nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đối
với một số trí thức ở một số nơi vẫn chưa phản ánh đúng thực chất.
- Một số sở chuyên ngành, địa phương chưa thật sự
quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức ở đơn vị mình
tham gia các diễn đàn sinh hoạt và các hoạt động của Liên hiệp hội.
- Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức những năm gần đây tuy được quan tâm hơn nhưng khả năng đáp ứng ngân
sách địa phương còn hạn chế nên việc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức đi học
còn thấp. Chính sách thu hút, đãi ngộ trí thức của tỉnh, nhất là trí thức có
trình độ cao ngoài tỉnh về tỉnh công tác chưa đủ mạnh và chưa thực sự hấp dẫn;
môi trường, điều kiện làm việc có nơi còn nhiều khó khăn; nhiều trí thức trẻ,
nhất là sinh viên giỏi, phần lớn làm việc ở các thành phố lớn có điều kiện thu
nhập cao hơn, cũng đã làm thất thoát một lượng lớn chất xám quý giá của tỉnh
nhà.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức còn
dàn trải, chưa có định hướng chung để lập kế hoạch đào tạo cụ thể cho từng
ngành, lĩnh vực. Dự báo nhu cầu đào tạo và xây dựng kế hoạch đào tạo còn chưa
sát và chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tiễn; một số cán bộ không xem việc đào tạo,
bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là nhiệm vụ nên việc học tập,
bồi dưỡng còn thụ động.
- Cơ
sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, triển khai và ứng dụng những
năm gần đây tuy có quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu, nhất là
những thiết bị hiện đại. Chưa thành lập được Trường Đại học Bình Thuận như
Chương trình hành động của tỉnh đã đề ra. Việc huy động các nguồn vốn ngoài
ngân sách để cho đội ngũ trí thức thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học
còn hạn chế. Quỹ phát triển khoa học - công nghệ đã thành lập nhưng hoạt động
còn khó khăn.
- Đời
sống phần lớn trí thức nhìn chung còn khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc
dành thời gian cho nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ (sau đại học, ngoại ngữ).
Một bộ phận trí thức chưa thực sự quyết tâm rèn luyện, tâm huyết với nghề nghiệp,
phấn đấu vươn lên nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tác giả bài viết: Ngô Viết
Năng